Thông tin tổng hợp
[Khoa học] Đôi mắt đã phản bội chúng ta như thế nào?
Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, và xét về mặt khoa học, nó đúng là như vậy. Không chỉ phản ánh những gì đang diễn ra trong não bộ, mắt còn có thể ảnh hưởng đến việc tìm lại ký ức và đưa ra quyết định.
Mắt của chúng ta đang liên tục di chuyển, đôi khi hành động này diễn ra trong vô thức, cũng có khi được kiểm soát. Chẳng hạn khi đọc, đôi mắt liên tục liếc từ bên này sang bên khác, lướt qua từng từ một. Khi chúng ta bước vào một căn phòng, mắt sẽ đảo để nhìn xung quanh, trước khi cung cấp một cái nhìn ổn định về không gian mới. Trong giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) của giấc ngủ, mắt sẽ liên tục đảo quanh.
Ánh mắt trong việc đưa ra quyết định
Sự vận động của mắt không phải là không có ý nghĩa, theo nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học trên khắp thế giới. Một công trình vừa công bố năm ngoái cho thấy sự giãn nở đồng tử có liên quan đến mức độ không chắc chắn trong quá trình đưa ra quyết định. Cụ thể, nếu ai đó là thếu quyết đoán trong quyết định, đồng tử của họ giãn ra. Bên cạnh đó, trạng thái này của mắt còn giúp dự đoán khi nào một người thận trọng trả lời “có” hoặc “không” đối với các quyết định khó khăn.
Dự đoán con số trong đầu đối phương qua ánh mắt
Nhìn vào đôi mắt, người ta cũng có thể ước lượng con số mà bạn đang hình dung trong đầu. Tobias Loetscher và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Zurich tuyển 12 tình nguyện viên, đồng thời yêu cầu họ xem qua một danh sách gồm 40 con số. Nhiệm vụ của họ là phải đọc lại đầy đủ theo thứ tự 40 con số trên, trong khi được các nhà khoa học theo dõi cử động mắt.
Các chuyên gia phát hiện ra rằng chuyển động mắt của người tham gia, cho phép dự đoán chính xác con số mà họ sắp nói là lớn hay nhỏ hơn so với đáp án. Ánh mắt của tình nguyện viên sẽ di chuyển lên phía trên bên phải, trước khi họ cho biết một con số lớn hơn. Và dịch chuyển xuống dưới bên trái, trước khi đưa ra đáp số nhỏ hơn.
Chuyển động mắt giúp truy hồi ký ức
Năm 2013, các nhà nghiên cứu Thụy Điển công bố bằng chứng cho thấy: cử động mắt thực sự có thể tạo điều kiện để truy hồi các sự kiện trong quá khứ.
Để đưa ra kết luận, 24 sinh viên được mời tham gia một bài thí nghiệm. Họ phải chú ý lắng nghe một loạt thông tin về các đối tượng đã được cho xem trước đó, chẳng hạn: "Chiếc xe chuẩn bị rẽ trái". Sau đó đưa ra đáp án Sai hoặc Đúng càng nhanh càng tốt. Đối tượng trong bài kiểm tra chia làm 2 nhóm, một nhóm buộc phải giữ mắt đứng im và nhìn chăm chú vào mục tiêu nào đó. Nhóm khác có quyền để mắt tự do di chuyển.
Các nhà khoa học phát hiện: những người được phép cử động mắt một cách tự nhiên có khả năng thu hồi ký ức tốt hơn hẳn. Bên cạnh đó, bài kiểm tra còn cho thấy nhóm người nhìn chằm chằm vào một đối tượng có thể phân tích nó tốt hơn việc nhớ lại sự kiện đã xảy ra. Giới chuyên gia cho rằng có lẽ chuyển động mắt đã giúp chúng ta liên kết mối quan hệ không gian giữa hiện tại và quá khứ.
Theo dõi ánh mắt để điều khiển hành vi người khác
Một nghiên cứu gần đây cho thấy chuyển động mắt của chúng ta có thể bị người khác lợi dụng, để đưa ra quyết định theo ý người đó muốn. Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi cho tình nguyện viên: “Giết người có phải là hành vi hợp lý?”, đồng thời đưa ra hai đáp án: “Đôi khi” hoặc “Không bao giờ”.
Không cần quét não, người khác cũng có thể đọc vị bạn thông qua ánh mắt.
Sau khi được cho một khoảng thời gian nhất định để nhìn chằm chằm vào màn hình và đưa ra quyết định, 2 lựa chọn câu trả lời ngay lập tức bị xóa. Bằng cách theo dõi cử động mắt, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng họ có thể thay đổi lựa chọn của người tham gia, ngay khi trong đầu họ đã đưa ra một đáp án khác.
"Chúng tôi không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào khác", nhà thần kinh học Daniel Richardson của Đại học London (Anh) - tác giả chính của nghiên cứu cho biết. "Chúng tôi chỉ đơn giản là chờ đợi họ chuẩn bị đưa ra quyết định của mình để lên tiếng ngắt lời, ở đúng thời điểm. Chúng tôi đã làm họ thay đổi ý nghĩ chỉ bằng cách kiểm soát ánh mắt khi họ trả lời câu hỏi".
Richardson cho biết những người bán hàng thành công có thể đã khai thác yếu tố này, và sử dụng nó để thuyết phục khách hàng. "Chúng tôi nghĩ rằng những người có sức thuyết phục thường có khả năng ăn nói tốt, nhưng có lẽ họ cũng đang quan sát quá trình ra quyết định của người đối diện", ông nói. "Có lẽ nhân viên bán hàng giỏi đã nhận ra thời điểm chính xác mà bạn đang dao động để hướng tới một sự lựa chọn nhất định, và sau đó cung cấp cho bạn một mức giá ưu đãi hay khuyến mãi nào đó".
Kết luận
Qua những nghiên cứu trên, có thể thấy ánh mắt có khả năng ảnh hưởng đến việc kiểm soát bộ nhớ và ra quyết định, đồng thời nó cũng là nơi phản ánh rõ ràng nhất những suy nghĩ, niềm tin và ham muốn của con người. Các nhà khoa học đã giúp chúng ta khai thác cử động mắt để tăng cường chức năng ghi nhớ của não bộ, nhưng cũng mang lại bất ngờ vì nhiều người lợi dụng đôi mắt để thao túng hành vi chúng ta.
"Đôi mắt giống như cửa sổ của ý nghĩ, và thông tin có thể bị rò rỉ ra ngoài từ đây", Richardson nói. Ngoài ra, nhà thần kinh học đến từ Đại học London cũng lo ngại các công nghệ theo dõi ánh mắt xuất hiện trên những thiết bị điện tử, vô tình có thể biến thành nguồn cung cấp thông tin cho người khác, với các mục đích khác nhau.
Nguồn: BBC
Đánh giá bài viết
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
Tin liên quan
- Nhiệt độ ở những nơi nóng và lạnh nhất thế giới (28/05/2015)
- 54 bức ảnh tuyệt đẹp về Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới (25/05/2015)
- Chế tạo thành công bê tông sinh học có thể tự chữa lành vết nứt bằng vi khuẩn (25/05/2015)
- Những hình ảnh lịch sử quý giá về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (02/10/2014)
- Kỉ Niệm 60 Năm - Ngày giải phóng Thủ đô và những hình ảnh khó quên (10/10/1945 - 10/10/2014) (02/10/2014)