TIÊU HÓA
Sỏi mật
Dấu hiệu và triệu chứng
- Tính trạng khó tiêu diễn ra dai dẳng, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng và đôi khi đau bụng, có thể xuất hiện hoặc nặng lên khi ăn những loại thức ăn nhiều mỡ.
- Cơn đau quặn gan: Đau đột ngột, dai dẳng, âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng thượng vị hoặc vùng mạn sườn phải. Đau thường xảy ra 1 đến 2h sau khi ăn nhưng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào và kéo dài từ 15 – 30 phút đến vài giờ. Cơn đau thường bắt đầu ở vùng thượng vị hoặc mạn sườn phải và xuyên ra sau lưng hoặc lan lên vai. Sau cơn đau có thể có cảm giác tức nhẹ ở vùng thượng vị kéo dài khoảng 1 ngày.
- Buồn nôn và nôn thường đi kèm với cơn đau quặn gan.
Nếu sỏi gây tắc mật, sẽ có thêm những triệu chứng sau:
- Vàng da vàng mắt (hoàng đản)
- Nước tiểu sẫm màu
- Sốt
- Rét run
Nguyên nhân
Bình thường dịch mật do gan sản xuất ra được trữ trong túi mật, từ đó được đưa vào ruột non để giúp tiêu hóa mỡ. Nếu môi trường trong túi mật bị mất cân bằng hóa học, dịch mật có thể tạo thành những tiểu phân cứng và cuối cùng hình thành sỏi.
Sỏi mật có thể nhỏ như hạt cát hoặc to bằng quả trứng gà, bề mặt sỏi có thể nhẵn nhụi hoặc xù xì và số lượng có thể từ một đến hàng trăm viên.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Khám thực thể bao gồm kiểm tra các dấu hiệu vàng da vàng mắt và sờ nắn bụng để phát hiện u cục (trong trường hợp túi mật to). Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bao gồm:
- Xét nghiệm máu tìm dấu hiệu nhiễm trùng (tăng bạch cầu), bất thường nồng độ men gan hoặc tụy, và tăng bilirubin trong máu
- Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp nhấp nháy đường mật, chụp đường mật ngược dòng nội soi và siêu âm nội soi.
Điều trị
Do đa số các trường hợp sỏi mật không gây triệu chứng nên không cần điều trị. Tuy nhiên nếu sỏi mật gây ra các triệu chứng và biến chứng nặng, có thể điều trị bằng một số biện pháp sau:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt túi mật là cách điều trị hay được chỉ định nhất. Phẫu thuật có thể được tiến hành theo 2 cách: nội soi hoặc mở ổ bụng.
- Thuốc: Có thể dùng thuốc ursodiol (Actigall) để làm tan sỏi cholesterol. Thuốc có tác dụng tốt nhất với sỏi nhỏ và để phòng tái phát bệnh nhân cần uống thuốc lâu dài.
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Sử dụng sóng âm cao tần để tán nhỏ sỏi, sau đó bệnh nhân được uống ursordiol để thải các mảnh sỏi vụn ra ngoài.
Phòng bệnh
Mặc dù không thể hoàn toàn phòng ngừa được sỏi mật, nhưng một số biện pháp sau sẽ giúp làm giảm nguy cơ:
- Duy trì cân nặng bình thường
- Tập thể dục thường xuyên
- Tránh ăn kiêng quá vội vã hoặc chế độ ăn quá ít calo (dưới 800 calo/ngày)
Chọn chế độ ăn ít mỡ, nhiều chất xơ, chú trọng đến hoa quả tươi, rau và ngũ cốc nguyên cám. Giảm lượng mỡ động vật, bơ, bơ thực vật, sốt mayoinnaise và thực phẩm chiên rán.