Thông tin tổng hợp
Bệnh nhân chạy thận khốn đốn vì giá cả sinh hoạt tăng cao
Thời buổi tăng giá, bữa ăn của những bệnh nhân chạy thận cũng hết sức
đạm bạc, thậm chí là kham khổ. Một quả cà chua 1.500 đồng, một quả
trứng vịt 3.500 đồng, một mớ rau cũng mất 4.000 đồng, cái bắp cải cũng
7-8.000 đồng, một bình ga mini cũng tăng lên 7.000 đồng. Giá cả đắt đỏ
nên bữa ăn của các bệnh nhân nơi đây cũng chỉ thấy toàn rau và vài con
cá lẹp, cá khô. Nhà nào khá khẩm hơn thì có thêm quả trứng nấu cà chua
còn thịt thì rất hiếm.
Bệnh tật hành hạ lại ăn uống kham khổ nên da họ cứ xám xịt lại, môi
khô, mắt thâm quầng, dáng đi lảo đảo như hồ đứng không còn vững. Mà hầu
hết họ đều mang trong người một lúc mấy căn bệnh do suy thận biến chứng.
Ai cũng hiểu phải tẩm bổ ăn uống thì mới có sức khỏe để "chiến đấu" lâu
dài nhưng... Sau chữ "nhưng" là những tiếng thở dài, những nỗi niềm của
những phận nghèo mắc trọng bệnh.
Nhặt mấy lá rau cải vàng úa chuẩn bị cho bữa tối, bà Hoan cho biết: "Bữa trưa ăn qua quýt quả trứng vịt luộc chấm xúp, tối nay có cá cơm khô rang rồi. Cũng khó nuốt lắm nhưng cứ chan canh cố lùa bát cơm vào cổ còn lấy sức mà chữa bệnh. Mới trước tết, một bát cháo 10.000 đồng mà giờ đã tăng lên 12.000 đồng. Nhạt miệng muốn ăn bát cháo cũng phải đắn đo". "Ăn uống kham khổ như thế thì lấy đâu ra sức mà chạy chữa?" - tôi hỏi, bà chép miệng: "Biết là rứa nhưng ăn uống cũng phải dè chừng, ăn bữa ni còn nghĩ bữa mai. Cái bệnh ni một người bị cả nhà chạy tiền cũng không đủ. Nhiều khi cũng nghĩ phải ăn uống đủ chất nhưng phải "ăn nhắc nhịn thèm" thôi. Ăn khổ một tý chưa chết nhưng không có tiền mua thuốc thì chết ngay".
Nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền thuốc thang nhưng cũng không đủ, ông Trương Đình Vinh (Quỳnh Lưu) phải rút số lần chạy thận xuống. Căn bệnh suy thận mãn tính của ông đã bước sang năm thứ tư. Của nả trong nhà cũng phải bán để nuôi ông nằm viện. Ông đành phải chấp nhận mỗi tuần chạy thận 2 lần thay vì 3 lần như trước đây. Bớt được gần 200.000 đồng mỗi tháng nhưng sức khỏe ông sa sút trông thấy bởi độc tố trong người không được lọc hết. "Biết rứa là nguy hiểm nhưng cũng không biết làm răng được. Đành trông vào số trời thôi cô ạ. Trời cho sống thêm ngày nào hay ngày đó", ông Vinh thở dài.
Cứ mỗi bệnh nhân chạy thận lại thêm một người nhà đến chăm nom. Cả người bệnh lẫn người chăm nom đều phải đợi "tiếp viện" từ nhà gửi lên. Loanh quanh luẩn quẩn trong xóm trọ khi tiền mang theo đã hết mà ở nhà vẫn chưa xoay xở vay mượn được nên thằng con trai bà Hoan đành phải gửi mẹ cho mấy người hàng xóm rồi về quê xoay tiền. Dù sao bà Hoan cũng còn có người thân mà vay mượn rồi mấy đứa con cật lực làm thêm để trả.
Hoàn cảnh anh Thái Khắc Dần (quê Tân Kỳ) có lẽ là bi đát nhất trong số những phận người sống nhờ vào máy móc mà tôi đã từng gặp. Nhà anh chỉ có hai mẹ con. Anh Dần đã có thâm niên 7 năm ăn cơm bệnh viện, bà mẹ già ở quê đã hơn 80 tuổi không giúp gì nổi cho con nữa. Vốn ốm yếu anh không thể làm thuê làm mướn, toàn bộ chi phí chạy chữa đều phải nhờ vào BHXH và khoản trợ cấp 202 ít ỏi, sự giúp đỡ có hạn của bà con lối xóm. Một mình ở đất Vinh, không ai thân thích, anh nuôi thêm con chó bầu bạn.
Nói là bầu bạn nhưng thực chất là nó là "của để dành" phòng những lúc
không còn tiền anh có thể bán đi mà lo được ít ngày. Thế mà đợt gần
tết, anh định bụng bán đi lấy ít tiền cơm nước mấy ngày nằm viện thì bị
bọn trộm câu mất. Tiếc con chó, tiếc cái công mình bỏ ra chăm bẵm anh
thêm ốm ra. Hết Tết, anh về thăm nhà mang theo 3 con chó để nuôi "phòng
thân". "Con chó cái bắt đầu đi tơ, có lẽ mình nuôi lấy giống rồi bán chó
con, còn hai chú nhóc kia chắc sắp tới cũng phải bán đi để lấy tiền mà
trang trải sinh hoạt thời buổi tăng giá thôi em ạ", anh buồn thiu nói.
"Nhà nước đã miễn cho 95% phí chữa bệnh, còn 5% nữa tính ra mỗi tháng cũng mất hơn 500.000 đồng nhưng bệnh nhân nghèo như chúng tôi cũng lo không nổi, rồi còn tiền trọ, tiền sinh hoạt nữa... Không khéo phải bỏ bệnh viện về quê thôi cháu ạ", ông Chu Văn Nguyên (quê Yên Thành) người có thâm niên 11 năm nuôi con chạy thận cho biết. Tôi hiểu, đối với những người như con ông Nguyên, về quê đồng nghĩa là tìm về cái chết. Khi giá cả tăng, những bệnh nhân chạy thận càng khốn đốn hơn. Hơn ai hết họ mong Nhà nước có thêm sự hỗ trợ để vượt qua nỗi đau bệnh tật, tiếp tục cuộc hành trình giành giật sự sống.
Đánh giá bài viết
Tin liên quan
- [Khoa học] Đôi mắt đã phản bội chúng ta như thế nào? (28/05/2015)
- Nhiệt độ ở những nơi nóng và lạnh nhất thế giới (28/05/2015)
- 54 bức ảnh tuyệt đẹp về Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới (25/05/2015)
- Chế tạo thành công bê tông sinh học có thể tự chữa lành vết nứt bằng vi khuẩn (25/05/2015)
- Những hình ảnh lịch sử quý giá về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (02/10/2014)