Y học thường thức
Có thuốc ngừa nhiễm xạ?
Chỉ dùng loại thuốc này dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ
Potassium iodide không thể phòng ngừa phóng xạ
Trong thông báo mới đây, tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã lên tiếng cảnh báo an toàn về việc người dân tự ý dùng thuốc potassium iodide và tình trạng mua bán tràn lan qua mạng, vì nhiều khả năng những viên thuốc đó chưa được cấp phép.
WHO cho biết, potassium iodide không phải là chất giải độc phóng xạ, càng không phải là loại thuốc thích hợp sử dụng cho mọi người. Potassium iodide cũng không thể phòng ngừa phóng xạ bên ngoài, không thể phòng ngừa nguy hại của các iốt phóng xạ. Cơ quan này nhấn mạnh, người dân chỉ nên dùng thuốc khi có sự hướng dẫn rõ ràng của cơ quan y tế.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TP.HCM, cho đến nay chưa có tài liệu chính thống nào cho rằng potassium iodide có thể phòng chống được nhiễm phóng xạ. DS Đức cho biết, các chất phóng xạ khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây nguy cơ ung thư và ảnh hưởng đến các bộ phận xương (66%), thận (8%), gan (16%). Một số thử nghiệm với uranium (nguyên tố kim loại, màu bạc, có tính phóng xạ, nhiên liệu chủ yếu trong sản xuất điện hạt nhân. Khi đốt lên sinh ra một số chất độc hại như iốt, xêzi…PV) trên súc vật cho thấy, những loài bị nhiễm liều cao đã đưa đến rối loạn chức năng sinh sản, vô tinh trùng và gây tổn thương tinh hoàn. Tình trạng này có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, nếu sự phơi nhiễm ở liều thấp thì không ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản.
Cũng theo DS Đức, một khi cơ thể bị nhiễm phóng xạ, bệnh nhân có thể sử dụng một số chất chống nhiễm độc như: pan creatic dornase (loại thuốc giúp loãng đàm, nếu uống sẽ giúp bệnh nhân ho mạnh, tống chất độc ra ngoài), hay các loại triton, Tween 90... Hoặc như thuốc Edta khi hấp thụ vào cơ thể sẽ liên kết các chất phóng xạ, nhanh chóng đào thải chúng ra ngoài, “Các thuốc này không được bán ngoài thị trường và chỉ được sử dụng tại các khoa hồi sức - chống độc trong bệnh viện khi có sự cần thiết. Bác sĩ chuyên khoa chính là người thực hiện những điều này cho bệnh nhân”, DS Đức nói.
Chớ xao động bởi tin đồn
Ghi nhận từ một số diễn đàn trên mạng cho thấy nhiều người Việt Nam vẫn còn lờ mờ trước tác dụng của potassium iodide. Có người cho rằng thuốc có tác dụng phòng ngừa nhiễm xạ. Người khác lại đinh ninh thuốc có khả năng giải độc, đào thải phóng xạ. Thậm chí có người còn đánh đồng potassium iodide là loại muối iốt, nên cứ việc ăn nhiều muối iốt sẽ giúp phòng tránh nhiễm xạ.
Theo DS Đức, loại chất có trong thuốc potassium iodide đúng là có thể tìm thấy trong muối iốt ăn hàng ngày. Tuy nhiên, ngay cả việc sử dụng loại muối ăn này, mọi người cũng chỉ được dùng một hàm lượng iốt rất nhỏ. Nếu dùng quá nhiều và thường xuyên, loại chất này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ như rối loạn tuyến giáp. Đặc biệt với những bệnh nhân bị bệnh cường giáp càng không nên dùng muối hoặc các chất có chứa iốt. Phụ nữ có thai và trẻ em khi sử dụng iốt cũng đều phải có sự hướng dẫn, cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
Cũng theo DS Đức, khuyến cáo được công nhận hiệu quả nhất hiện nay là khi có những sự cố liên quan đến phóng xạ, người dân nên di tản xa nhà máy khoảng hai mươi cây số và nên trú ẩn ở trong nhà, “Đây là cách phòng ngừa chủ yếu nhất bởi chưa có một loại thuốc hay chất nào có thể phòng ngừa tình trạng nhiễm phóng xạ. Vì vậy việc đổ xô mua potassium iodide không chỉ gây phung phí tiền bạc, mà còn khiến không ít người hoang mang, lo sợ. Điều đáng nói hơn, chúng ta cần dập tắt các tin đồn phát tán phóng xạ đang lan truyền trên mạng để giữ ổn tinh thần của người dân. Mọi người cũng nên tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, chớ xao động bởi tin đồn”, DS Đức nhấn mạnh.
Đánh giá bài viết
Tin liên quan
- Top những việc cần làm ngay khi bị chó/mèo cắn? (11/06/2024)
- Uống cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson (17/10/2023)
- Bước đột phá mới trong việc chế tạo chân giả điều khiển bằng ý nghĩ tiềm thức (28/05/2015)
- Đậu nành không ảnh hưởng sức khỏe sinh lý nam (25/05/2015)
- [Infographic] Tuổi thọ trung bình trên thế giới (25/05/2015)