Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

Y học thường thức

Ngộ độc paracetamol, vì sao nên nỗi?

Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ, thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời

Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là một thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng rộng rãi nhất do có nhiều ưu điểm như sử dụng được cho người có bệnh dạ dày, người sốt do virút, phụ nữ có thai và trẻ em (kể cả sơ sinh). Tuy nhiên khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chủ yếu là gây hoại tử tế bào gan. Ở Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, trong 2 năm 2002 - 2004, tỷ lệ ngộ độc paracetamol đứng hàng thứ 2 trong các trường hợp ngộ độc thuốc.

Tại sao paracetamol có thể gây độc?

Với liều điều trị, sau uống khoảng 1 giờ, thuốc được hấp thu hoàn toàn. Khi dùng quá liều, thuốc được hấp thu hết sau 4 giờ, ngoại trừ khi bệnh nhân uống đồng thời các thuốc làm chậm quá trình rỗng dạ dày và khi thuốc ở dạng giải phóng chậm thì thời gian hấp thu lâu hơn.

Thuốc được chuyển hoá ở gan với một tốc độ đều đặn. Quá trình chuyển hoá thuốc là căn nguyên dẫn đến ngộ độc. Khi qua gan, có khoảng 4% lượng paracetamol chuyển thành N-acetylbenzoquinonimin là chất độc gây hoại tử gan không hồi phục. Nhờ có glutathion của gan, N-acetylbenzoquinonimin được chuyển hóa thành chất không độc đào thải ra ngoài. Do đó, mỗi lần dùng paracetamol (dù ở liều thông thường), cơ thể sẽ mất một lượng glutathion. Khi dùng quá liều paracetamol (người lớn 6 - 10g/ngày), gan không đủ lượng glutathion để giải độc, N-acetylbenzoquinonimin tích lại sẽ phân hủy tế bào gan, dẫn đến hoại tử không hồi phục, nhiễm toan chuyển hóa, hôn mê có thể dẫn đến tử vong.

Lý do nào làm tỷ lệ ngộ độc tăng cao?

Có quá nhiều biệt dược: Do có nhiều ưu điểm nên paracetamol đã được các nhà bào chế phối hợp với nhiều dược chất khác tạo ra hàng trăm biệt dược. Có các loại biệt dược: chỉ chứa paracetamol như efferalgan nhưng cũng có loại phối hợp với từ 2 - 7 dược chất khác.

Cần lưu ý đến những biệt dược có thêm thành phần phenobarbital sẽ làm tăng độc tính của paracetamol với gan; những chế phẩm có thêm thành phần phenylpropanolamin, phenylephrin thì không nên dùng cho người có bệnh cường giáp, huyết áp cao, đau thắt ngực, huyết khối, mạch vành, đái tháo đường, tiền sử tai biến mạch máu não.

Có quá nhiều dạng bào chế: thuốc viên (trong thuốc viên lại có quá nhiều loại viên nén thường, viên nén bao phim, viên nén nhai, viên nén giải phóng chậm, viên sủi bọt, viên nang cứng, viên nang mềm), thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn… Tất cả các loại trên lại có nhiều hàm lượng khác nhau.



Paracetamol có quá nhiều dạng bào chế với nhiều biệt dược.



Người bệnh tự dùng thuốc: Trong các biệt dược chứa paracetamol, có khoảng 90% là thuốc mua không cần đơn bác sĩ (OTC). Vì vậy, việc sử dụng quá liều paracetamol do dùng nhiều thuốc có tên biệt dược khác nhau, dạng bào chế khác nhau cho một người bệnh có đau nhức dữ dội, đau nhức triền miên hoặc sốt cao là điều dễ xảy ra, nhất là với những bệnh nhi. Tai nạn phổ biến hơn cả là việc tự dùng các biệt dược chứa paracetamol để chữa cảm, cúm, ho. Với người bệnh chỉ có hắt hơi sổ mũi, chảy nước chỉ cần dùng thuốc kháng dị ứng là giảm nhẹ, hết các triệu chứng nói trên thì người ta lại uống các loại thuốc chứa từ 500mg paracetamol với liều 1 - 2 viên/ lần x 3 hoặc 4 lần/ngày. Như vậy, người dùng thuốc phải chịu tác hại một cách không cần thiết của 1.500 - 4.000mg paracetamol/ngày.

Nhân viên y tế không hướng dẫn đầy đủ: Với người bệnh sốt cao hay đau nhức dai dẳng, thầy thuốc thường cho liều cao hoặc dùng paracetamol nhiều ngày, nhưng quên kiểm tra trước đó bệnh nhân đã dùng thuốc có chứa paracetamol hoặc các loại thuốc có tương tác bất lợi với paracetamol. Liều paracetamol dùng hàng ngày được khuyến cáo là không quá 60 – 80mg/ kg/ngày và không được quá 4gam/ngày với người lớn, không quá 80mg/kg với trẻ em. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc.

Làm thế nào để tránh ngộ độc?

Nếu bệnh nhân không đau nhức, không sốt trên 38oC, không dùng thuốc có paracetamol.

Trước khi dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, cần kiểm tra công thức thuốc, tránh trùng lặp thuốc có paracetamol.

Trong thời gian dùng thuốc chứa paracetamol: không uống nước có cồn (bia, rượu...) hoặc các thuốc làm tăng độc tính của paracetamol như barbiturat, isoniazid, carbamazepin...

Với phụ nữ có thai: Paracetamol là thuốc hạ sốt giảm đau được khuyên dùng ở phụ nữ có thai, người ta chưa thấy có tác dụng gây quái thai của thuốc này. Tuy nhiên, khi quá liều paracetamol có thể gây độc với thai vì thuốc này dễ dàng qua được nhau thai.

Với người nghiện rượu: Những người nghiện rượu khi dùng quá liều paracetamol có nguy cơ ngộ độc cao hơn và một số nghiên cứu cũng thấy tỷ lệ tử vong cao hơn người bình thường.

Với các trường hợp mẫn cảm với paracetamol, người thiếu hụt men G6PD; người say rượu; người có bệnh tim mạch, phổi, thận, gan hoặc thiếu máu thì không được sử dụng paracetamol.

Tóm lại, dù paracetamol là một thuốc khá an toàn và được bán rộng rãi trên thị trường với rất nhiều tên biệt dược khác nhau thì chúng ta cũng không nên tự ý dùng thuốc, nhất là trong những trường hợp đặc biệt như phụ nữ có thai hay người nghiện rượu, trước khi sử dụng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.        

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88