Y học thường thức
Người thầy thuốc và hành trình hơn 100 cây số mỗi ngày
Không khó để có được số điện thoại của ông Ba Trong vì ngay trong cơ quan tôi cũng có người từng được ông chữa bệnh. Khi tôi gọi điện nói là sẽ đến nhà, lương y vui vẻ: “Nhớ tới trước 9 giờ nghen. Sau 9 giờ là tui đi”. “Vậy khi nào chú về?”. “Khoảng 7 - 8 giờ tối”. “Hay là cháu đến vào ngày chủ nhật?”. “Thứ bảy, chủ nhựt tui cũng đi”. Không còn cách nào khác, từ thành phố Tuy Hòa, tôi vào huyện Đông Hòa khá sớm, hy vọng sau hơn nửa giờ đi xe máy qua 20 cây số, tôi vẫn còn thời gian trò chuyện với lương y, trước khi ông bắt đầu công việc quen thuộc của một ngày.
Tay không nối xương
Đến xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), hỏi nhà thầy Ba Trong ở thôn Phú Hòa, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường. Tại vùng này, tên của lương y đã trở nên vô cùng quen thuộc và dân nơi đây cũng quen với việc người từ nơi khác tìm tới nhà ông.
Có lẽ những chuyến đi ngày nối tiếp ngày đã tạo cho lương y Ba Trong phong thái nhanh nhẹn cùng dáng vẻ rắn rỏi. Trên gương mặt sạm màu nắng gió, nụ cười của ông thật hiền. Tôi nghĩ, nụ cười cùng ánh mắt sáng, chân thành của ông sẽ làm cho người bệnh cảm thấy nhẹ lòng.
Ông Ba Trong tên đầy đủ là Lương Văn Trong, cháu đích tôn của cụ Lương Dung - một lương y nổi tiếng về tài sửa trặc và chữa gãy xương ở Đông Hòa. Tiếp bước cha và người chú ruột, năm 12 tuổi, Ba Trong theo ông nội học nghề y. Kiên trì học cho đến năm 25 tuổi, ông nối nghiệp gia đình. Cùng với những kiến thức được danh y Lương Dung truyền thụ, theo thời gian, Ba Trong tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc chữa gãy xương. Chỉ bằng đôi bàn tay của mình, ông biết chính xác xương lệch ở đâu, trường hợp nào nứt, trường hợp nào bị gãy. Một cách khéo léo, ông đưa xương bị trật, gãy về vị trí ban đầu, dùng nẹp tre và băng cố định xương rồi đăng thuốc để xương mau liền. Lương y cho biết: “Phức tạp nhứt là gãy cổ xương đùi, phải đăng thuốc khoảng 3 tháng, bệnh nhân mới bình phục, còn gãy tay thì 1 tháng là khỏi”. Ông cũng không ngần ngại mà “liệt kê” các vị trong bài thuốc gia truyền giúp tan phù nề và mau liền xương, gồm: đại hoàng, lưu hậu, xuyên tâm thất, xuyên điền thất, nhĩ trà, huyết kiệt, long não, yếm rùa, dây trúc, ô long vĩ... trộn với bột nếp.
Quyển sổ mới nhất của lương y Ba Trong bắt đầu ghi từ ngày 11/3/2010 đến nay có hơn 60 trang chi chít tên người bệnh, số điện thoại và địa chỉ của họ. Lương y Ba Trong nói, có những ca làm ông chới với, như trường hợp bà cụ 99 tuổi ở xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, bị gãy xương đùi; ông cụ trên 70 tuổi ở phường 7, thành phố Tuy Hòa bị gãy và bể hai xương cẳng chân. Ba Trong dùng tay vuốt, kéo cho xương ổn định, nẹp lại rồi đăng thuốc. Sau 3 tháng, bệnh nhân đi lại được.
Theo lương y này, người già bị gãy xương phải mất từ hai tháng rưỡi đến ba tháng mới bình phục. Còn trẻ em, nếu gãy nặng, đăng thuốc từ một đến một tháng rưỡi là khỏi. Đó là trường hợp gãy kín. Nếu gặp ca gãy hở (xương gãy chọc ra ngoài da thịt) thì không thể đăng thuốc kín mít mà phải để trống nơi vết thương và có thuốc riêng cho vết thương. Ông nói, đối với những trường hợp gãy hở, tốt nhất là đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Gần 40 năm trong nghề y, chữa không biết bao nhiêu trường hợp gãy xương và chưa bó tay trước một ca gãy kín nào, song với ông, mỗi ca thành công là một lần mừng vui. Tuy nhiên, Ba Trong không cho rằng mình giỏi. “Thuốc dạy thầy, cây dạy thợ. Do tui làm quen chớ cũng không giỏi gì” - ông cười hiền khô.
Mỗi ngày hơn 100 cây số
Ở huyện Đông Hòa, Ba Trong không phải là lương y duy nhất có biệt tài chữa gãy xương. Người chú ruột của ông là lương y Lương Cờ (thường được gọi là thầy Sáu Cờ), 71 tuổi, cũng được nhiều bệnh nhân tín nhiệm nhờ khả năng này. Song, điều khác biệt là phần lớn thời gian trong ngày, Ba Trong dành để đi đến nhà từng bệnh nhân chữa trị cho họ.
Hôm tôi đến, lịch trình của lương y Ba Trong là đăng, thay thuốc cho một số người bị gãy xương ở TP. Tuy Hòa và huyện Phú Hòa, hôm sau thì đi đến huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu - hai địa phương ở phía Bắc Phú Yên, cách nơi ông ở từ 50 - 70 cây số. Ngày tiếp theo, ông cũng sẽ vượt qua ngần ấy cây số để đến với bệnh nhân ở huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh... Địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố ở Phú Yên được ông chia thành cụm, đi một tuần là thay thuốc giáp vòng. Ông tâm sự: “Những người bị gãy cổ xương đùi, vẹo cột sống... đâu thể ngồi xe máy đến đây được. Đi taxi thì tốn nhiều tiền. Mình đến tận nhà chữa cho họ bớt tốn kém”. Thì ra là vậy. Ông chấp nhận vất vả, đội nắng mưa đến tận nhà bệnh nhân để chi phí điều trị không trở thành gánh nặng cho họ. Mục đích của những chuyến đi là chữa cho những người bị gãy xương, nếu có trường hợp nhẹ (trặc tay, chân, bong gân...) ở gần thì ông cũng ghé lại giúp họ.
Có những hôm đi đường xa, lại không tìm thấy hàng quán, ông bỏ bữa trưa. Đến khi kết thúc lịch trình của một ngày, trở về nhà, ông vừa đói vừa mệt phờ.
Trong hai đợt lũ lụt đầu tháng 11 vừa qua, Ba Trong cũng đi suốt, vì có bệnh nhân mới, mà họ thì không thể đến tận nhà lương y được. Trong chuyến đi lên Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân), đường bị nước lũ xói lở, hư hỏng nặng, ông phải dắt bộ 4 - 5 cây số. Tôi hỏi: “Những lúc như vậy, chú có thấy nản không?”. Ba Trong cười: “Mắc gì đâu mà nản!”.
Không nản, nên người thầy thuốc 60 tuổi này vẫn miệt mài với hành trình chữa bệnh hơn 100 cây số mỗi ngày. Địa bàn của ông không chỉ ở Phú Yên mà còn mở rộng ra Vân Canh (tỉnh Bình Định), Vạn Giã, Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), K’rông Pa, Ayun Pa (tỉnh Gia Lai). Mới đây, thân nhân của một người bị gãy cổ xương đùi đón ông ra tận TP. Đà Nẵng để chữa bệnh. Chỉ có chuyến đi hơn 400 cây số này là ông phải ở lại vì quá xa, còn thường ngày thì xong việc, dẫu có khuya mấy ông cũng về nhà. Có lần đi chữa bệnh ở Ninh Hòa về, đến đèo Cả (giáp ranh hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa) thì xe bị đứt dây sên. Trong đêm tối, ông lọ mọ dắt xe qua hết đoạn đường đèo, đến thôn Hảo Sơn dưới chân đèo mới tìm được chỗ sửa xe. Những sự cố như vậy không phải là hy hữu trong vô số chặng đường rong ruổi từ mùa nắng cho tới mùa mưa của lương y Ba Trong. Nhưng ông nói chắc nịch: “Còn khỏe thì tui còn đi”.
Cuộc chuyện trò giữa tôi và lương y Ba Trong thường xuyên bị gián đoạn bởi những cuộc gọi. Đó là thân nhân những người vừa bị gãy xương. Họ nghe người quen nói về ông nên gọi đến nhờ cậy. Lương y vừa nghe điện thoại vừa hí hoáy ghi địa chỉ vào sổ. Vậy là hành trình của ông trong ngày hôm đó sẽ dài thêm.
Khi tôi chuẩn bị chào lương y để ra về thì có hai mẹ con bước vào phòng khách nhà ông. Bà mẹ trên 60 tuổi, bị té, trặc cả hai cổ tay, còn con trai bà làm thợ xây, ngã từ giàn giáo xuống, nứt xương gót chân cách đây gần 3 tháng. Sau một thời gian đăng bột, kết quả chụp Xquang cho thấy xương đã liền, nhưng bàn chân vẫn còn sưng. Nghe người quen giới thiệu nên hai mẹ con tìm đến nhờ thầy Ba Trong giúp. Vừa sửa trặc cho bà mẹ, ông Ba Trong hỏi: “Hai mẹ con ở đâu tới?”. Bà mẹ nói: “Tui ở Sông Cầu”. Ông kêu lên: “Tuốt ngoài đó! Tui cũng có bệnh nhân ở đó. Phải chi liên lạc được thì báo để tui ra, hai mẹ con khỏi vô đây mắc công”.
Lương y Ba Trong đang khám cho một trường hợp nứt xương bàn chân. |
“Nghề y không phải để làm giàu”
Lịch làm việc của lương y Ba Trong ngày nào cũng kín: Sáng chữa bệnh tại nhà. Sau 9 giờ, ông bắt đầu hành trình đến nhà gần chục bệnh nhân, hoặc để nắn, đăng xương gãy hoặc thay thuốc. Khi được hỏi về tiền công chữa bệnh, Ba Trong nói: “Tui chủ yếu lấy tiền thuốc, tiền xăng. Mình giúp bà con là chính. Gặp trường hợp khó khăn, tui chỉ lấy tiền xăng, còn thuốc thì cho họ. Tiền bạc không thành vấn đề! Lâu lâu, cũng có người trả cho mình nhiều hơn, tùy ở họ”.
Một trong những trường hợp mà Ba Trong vừa đề cập là ông Hồ Ngọc Sáng, 82 tuổi, ở xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hòa. Năm ngoái, ông Sáng trượt chân té ngã, bị gãy cổ xương đùi. Theo lời giới thiệu của người cháu từng bị gãy tay và được lương y Ba Trong đăng thuốc, bà Lê Thị Hợp - vợ ông Sáng - gọi điện nhờ lương y giúp. Bà Hợp kể: “Ông thầy thuốc chịu khó đến tận nhà đăng thuốc cho chồng tôi, rồi mỗi tuần ổng tới thay thuốc 1 lần. Thay 7 miếng thuốc thì chồng tôi đi lại được. Mừng quá! Sau khi trả tiền 7 miếng thuốc, mỗi miếng một trăm ngàn đồng, vợ chồng tui tặng thêm hai trăm ngàn, gọi là cảm ơn ổng”.
Tất nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để cảm ơn lương y như thế. Đa phần những người được ông Ba Trong chữa trị đều ở nông thôn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. “Giúp bà con khỏe mạnh và ít tốn kém cho họ là tui mừng” - lương y nói - “Nếu người ta không có tiền, mình vẫn chữa cho họ. Nghề y không phải là nghề để làm giàu”.
Quả thật, gần 40 năm gắn bó với nghề y và được bệnh nhân gần xa tín nhiệm, song Ba Trong không giàu. Gia đình ông sống trong ngôi nhà cấp bốn được xây từ rất lâu, theo kiểu nhà quen thuộc ở các vùng quê Phú Yên. Có 5 sào ruộng, vợ ông cùng chồng chắt chiu vun vén nuôi 6 người con. Ba Trong thổ lộ, ông không chạnh lòng khi thấy người khác sung túc hơn mình, vì ông theo nghề y là để tích công đức.
Không chỉ đến tận nhà bệnh nhân, trong một số trường hợp, lương y còn đưa bệnh nhân về nhà mình, điều trị hàng tháng trời mà không lấy một đồng nào. Nhiều năm trước, ông Cư ở thôn Phú Sen, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa bị té gãy chân trong khi đào giếng. Lương y Ba Trong tới nhà, thấy gia cảnh bệnh nhân quá khó khăn, ông nói: “Thôi, anh xuống nhà tui ở, tui chữa cho”. Không có tiền nên ông Cư ngần ngại. Ba Trong vẫn bồng ông ấy đặt lên xe, chở về nhà. Tại đây, lương y chữa bệnh, còn vợ ông lo cơm nước cho bệnh nhân. Đến khi ông Cư bình phục, Ba Trong đưa ông ấy ra bến xe, tìm một chiếc xe để ông ấy về nhà.
Sau ông Cư, có một người đàn ông rất nghèo ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây bị té bể xương cánh chậu và gãy xương sườn. Ba Trong cũng đưa người đó về nhà mình điều trị cho đến khi bình phục và không hề tính tiền thuốc, tiền cơm. “Chuyện đã qua lâu rồi mà đến giờ, thỉnh thoảng con của ổng vẫn xuống thăm tui. Còn ông Cư nuôi vịt, có lần thấy tui đi ngang nhà, ổng liền níu xe lại, một hai bắt tui phải đem vịt về” - lương y kể.
LƯƠNG Y VÕ ĐÀO NINH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐÔNG Y TỈNH PHÚ YÊN: “Lương y Lương Văn Trong có bài thuốc gia truyền của dòng họ, chữa gãy xương rất hay, được bệnh nhân tín nhiệm. Ông ấy là lương y hết lòng vì người bệnh. Khi người bệnh cần, ông sẵn sàng đến nhà để chữa cho họ. Là Chủ tịch Hội Đông y xã Hòa Hiệp Trung, lương y Lương Văn Trong có nhiều đóng góp trong công tác Hội”. |
Với những đóng góp thầm lặng, bền bỉ trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, lương y Lương Văn Trong đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội, Tỉnh hội, Huyện hội Đông y.
Tôi nói với ông, có một người từng bị gãy xương đòn và được ông chữa trị, cứ lo nghề thuốc của dòng họ Lương sẽ bị thất truyền. Nghe vậy, ông mỉm cười: “Tui đã truyền nghề cho ba đứa con trai, đứa nào cũng làm được, nhưng chỉ có con trai cả là theo nghề”. Con trai cả của ông tên Lương Công Đính, sinh năm 1970, được cha giao nhiệm vụ đi chữa trị cho các bệnh nhân ở ngoài tỉnh.
Ba Trong bảo, ông nối nghiệp của gia đình được là nhờ cái duyên. Song, trong nghề y, căn bản nhất là cái đức.
Gần 40 năm qua, với biết bao tháng, biết bao ngày rong ruổi trên đường, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi để đến với bệnh nhân, lương y Lương Văn Trong luôn dặn lòng điều đó.
Và ông đã gìn giữ được điều đó.
Đánh giá bài viết
Tin liên quan
- Top những việc cần làm ngay khi bị chó/mèo cắn? (11/06/2024)
- Uống cà phê mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson (17/10/2023)
- Bước đột phá mới trong việc chế tạo chân giả điều khiển bằng ý nghĩ tiềm thức (28/05/2015)
- Đậu nành không ảnh hưởng sức khỏe sinh lý nam (25/05/2015)
- [Infographic] Tuổi thọ trung bình trên thế giới (25/05/2015)