Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

DỊ ỨNG

Những bệnh dị ứng thường gặp

Các biểu hiện dị ứng xuất hiện sớm ngay từ lứa tuổi nhỏ. Cho đến 5 tuổi trẻ em đều có thể mắc hầu hết các tình trạng dị ứng. Sự xuất hiện, biểu hiện triệu chứng dị ứng cũng rất khác nhau và tùy thuộc vào lứa tuổi.

Những tác động của môi trường từ phạm vi nhỏ như thức ăn, khói thuốc lá, bụi nhà, thuốc chữa bệnh... đến phạm vi lớn như biến đổi khí hậu, hủy hoại sinh thái đều làm cho bệnh dị ứng xuất hiện nhiều hơn và diễn biến phức tạp hơn.

Nhìn chung, dị ứng là tình trạng hay bệnh lý liên quan đến sự xuất hiện của kháng thể miễn dịch dị ứng đặc hiệu (IgE). Nói cách khác khi một tình trạng hay bệnh có liên quan đến sự xuất hiện của kháng thể miễn dịch dị ứng đặc hiệu thì đó là tình trạng hay bệnh dị ứng.

Dị ứng xuất hiện khi có yếu tố lạ (được gọi là dị nguyên hay kháng nguyên) xâm nhập cơ thể, làm cho cơ thể phải sinh ra kháng thể chống lại dị nguyên và lúc đó phản ứng kháng nguyên - kháng thể xảy ra. Việc xác định được dị nguyên giúp cho việc chẩn đoán bệnh dị ứng chính xác và điều trị có hiệu quả.

Ở trẻ nhỏ, "yếu tố lạ" được các nhà chuyên môn đề cập đến nhiều chính là sữa bò và protein của trứng. Trong khi ở trẻ lớn hơn tình trạng dị ứng với bụi nhà, mò mạt, lông chó, lông mèo và một số yếu tố khác, được gọi là "yếu tố dị ứng" trong nhà như khói thuốc lá lại thường gặp hơn. Tình trạng dị ứng với phấn hoa gặp nhiều ở lứa tuổi học đường, nhiều nhất là ở tuổi vị thành niên. Người ta có nói đến "mùa dị ứng" để chỉ một khoảng thời gian trong năm mà các bệnh dị ứng thường xuất hiện như viêm mũi dị ứng, sốt phát ban hay hen phế quản.

Thực ra thời tiết không phải là dị nguyên mà thời tiết chỉ đóng vai trò làm cho yếu tố gây dị ứng hay dị nguyên bùng phát, như mùa xuân có nhiều hoa nở nên có nhiều phấn hoa.

Cách phòng bệnh dị ứng có hiệu quả nhất chính là tránh hoặc hạn chế  tiếp xúc với các dị nguyên, trong đó việc tạo ra một môi trường sống trong sạch đóng vai trò quan trọng. Các nhà chuyên môn cho rằng viêm mũi dị ứng, chàm dị ứng hay viêm da dị ứng và hen phế quản... là những bệnh dị ứng tiêu biểu thường gặp.

Viêm mũi dị ứng


Viêm mũi dị ứng là một tình trạng viêm phụ thuộc dị nguyên xảy ra ở niêm mạc mũi và có liên quan mật thiết với viêm kết mạc. Bệnh có tính chất mạn tính, tái xuất hiện và theo mùa. Phấn hoa là căn nguyên gây viêm mũi dị ứng được nhắc đến nhiều nhất... Ô nhiễm không khí, đặc biệt là không khí ở đô thị, nấm mốc, lông động vật, các bụi bẩn trong nhà cũng  chính là nguyên nhân làm cho bệnh viêm mũi dị ứng xuất hiện ngày càng nhiều.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng là trẻ hay bị chảy nước mũi, ngứa mũi, ngứa cổ họng, chảy nước mắt. Viêm mũi dị ứng khó chữa được dứt điểm nên để hạn chế mắc bệnh cần tránh các yếu tố gây dị ứng bằng cách dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên quét sạch bụi bẩn, lông vật nuôi, nấm mốc.

Chàm dị ứng


Chàm dị ứng là một tình trạng viêm da với tính chất đặc trưng là ngứa rất nhiều, diễn biến mạn tính, tái phát lặp đi lặp lại và đặc biệt là phân bố tổn thương thay đổi theo tuổi. Bệnh được coi như một biểu hiện dị ứng của cơ thể và chịu nhiều ảnh hưởng yếu tố di truyền. Ngay khi mới đẻ, trẻ đã có các biểu hiện như khô da, da tróc vảy, lớn hơn một tí, xuất hiện các mụn nước li ti trên da gây ngứa. Tuổi càng lớn, thương tổn cũng thay đổi, các mụn nước giảm đi thay vào đó da sẽ bị dày hơn và có màu sậm.

Để phòng ngừa bệnh chàm dị ứng, cần hạn chế cho trẻ chơi các đồ chơi vải, bông như thú nhồi bông, búp bê, nếu dùng sữa tắm thì nên dùng các loại sữa tắm có chứa kem làm mềm da...

Hen dị ứng


Hen là một quá trình viêm mạn tính của đường thở trong đó có sự tham gia của nhiều yếu tố. Trên một cơ địa nhạy cảm, đường thở đáp ứng nhanh với các tác nhân kích thích và hậu quả là quá trình viêm xảy ra rồi tái diễn khi có các yếu tố thuận lợi.

Biểu hiện triệu chứng lâm sàng là các đợt thở cò cử, thở khò khè, khó thở, có dấu hiệu chẹn ngực và ho, đặc biệt là ho về đêm và nửa đêm về sáng. Trước khi lên cơn hen, người bệnh thường có dấu hiệu báo trước như ngày hôm trước trong người thấy uể oải khó chịu, có biểu hiện ngạt mũi, hắt hơi...

Yếu tố thuận lợi để hen dị ứng khởi phát cũng giống viêm mũi dị ứng. Có đến 2/3 trẻ em mắc hen không biểu hiện triệu chứng trước khi đến tuổi đi học, nhưng sau đó khuynh hướng xuất hiện bệnh tăng dần theo lứa tuổi cho đến giai đoạn trưởng thành. Nhìn chung ở trẻ em, trẻ trai mắc hen nhiều hơn trẻ gái với tỷ lệ 2:1. Ở lứa tuổi lớn hơn tỷ lệ này dần trở lại cân bằng.

BS. Vũ Thu Dung - Theo Suckhoedoisong.vn

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88