Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

Y học thường thức

Những tai biến khi chấn thương niệu đạo nam

Chấn thương niệu đạo nam là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được xử trí kịp thời để tránh các tai biến như bí đái, viêm nhiễm nước tiểu, phòng tránh di chứng hẹp niệu đạo, viêm niệu đạo...



 

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài, nó được chia làm hai phần niệu đạo trước và niệu đạo sau. Niệu đạo trước là phần đi qua dương vật và tầng  sinh môn. Niệu đạo sau gồm niệu đạo màng và niệu đạo tiền liệt tuyến. Do vị trí giải phẫu nên chấn thương niệu đạo trước và sau khác nhau về nguyên nhân gây chấn thương, triệu chứng và phương pháp điều trị.

 

Chấn thương niệu đạo trước

 

Về cấu tạo, niệu đạo trước có vật xốp bao bọc, gồm 2 đoạn: Đoạn di động trước xương mu hay còn gọi là niệu đạo dương vật ít bị tổn thương, các ca hiếm gặp do dương vật khi bị bẻ gãy hoặc bị cắt. Đoạn cố định là niệu đạo tầng sinh môn: thường bị giập hoặc bị đứt do ngã ngồi như ngã thuyền, ngã giàn giáo, ngồi xoạc hai chân...

 

Biểu hiện: Sau khi bị ngã ngồi xoạc hai chân lên vật cứng, nạn nhân thấy đau nhói vùng tầng sinh môn, có thể ngất vì đau, không ngồi dậy được. Chảy máu ở miệng sáo dương vật, nhiều hay ít, từng đợt hoặc liên tục. Bệnh nhân bị bí đái do tổn thương niệu đạo hay do phản xạ. Khám thấy tầng sinh môn có điểm đau chói, máu chảy qua miệng sáo, đang chảy hoặc máu đã khô lại. Tầng sinh môn có máu tụ hình cánh bướm, đôi khi có tụ máu ở bìu. Có cầu bàng quang vì bệnh nhân bị bí tiểu.

 

Một số biến chứng hay gặp: Viêm tấy tầng sinh môn do bàng quang căng quá mức, nước tiểu rỉ ra tầng sinh môn và đọng lại gây ra. Áp-xe tầng sinh môn do bệnh nhân đến muộn. Hẹp niệu đạo rất hay gặp, do xử trí ban đầu không tốt sau một thời gian dẫn đến hẹp niệu đạo hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.

 

Xử trí: Nếu bệnh nhân đái được, nước tiểu có thể trong hoặc có máu đầu bãi, cần theo dõi, cho dùng thuốc giảm đau và kháng sinh. Một tuần sau nong niệu đạo tránh hẹp và chụp niệu đạo kiểm tra.

 

Bệnh nhân không đái được, có cầu bàng quang, nếu không chảy máu niệu đạo nhiều thì đặt sonde bàng quang từ 1-3 ngày, dùng thuốc giảm đau và kháng sinh, sau đó rút sonde cho tự đái, nong thử hoặc chụp kiểm tra. Trường hợp chảy máu niệu đạo nhiều, phải phẫu thuật mở thông bàng quang đơn thuần hoặc mở thông bàng quang kết hợp đặt sonde niệu đạo (phẫu thuật Tuteur), việc khâu nối và tạo hình niệu đạo phải làm sau.

 

Chấn thương niệu đạo sau

 

Tổn thương niệu đạo sau thường gặp trong các trường hợp: tai biến của vỡ xương chậu như vỡ ngành ngồi - mu, chậu - mu, toác khớp mu gây rách cân đáy chậu giữa nơi niệu đạo màng đi qua, cân này cũng bị kẹp rách đứt hay dập. Xương mu bị gãy đè vào làm vỡ tuyến tiền liệt, làm tổn thương niệu đạo tuyết tiền liệt nhưng ít gặp. Vỡ bàng quang kéo rách hoặc đứt niệu đạo sau.

 

Dấu hiệu ở ca điển hình gây đứt niệu đạo màng do vỡ xương chậu: Bệnh nhân bị sốc vừa hoặc nặng do chấn thương và mất máu. Triệu chứng vỡ xương chậu: thấy có điểm đau chói, chụp phim Xquang thấy vỡ xương, chảy máu niệu đạo, bí đái, bàng quang căng, có thể đau bụng âm ỉ, trướng bụng do tụ máu sau phúc mạc. Không đặt được sonde lên bàng quang, rút sonde có máu.

 

Chẩn đoán phân biệt với đứt niệu đạo tuyến tiền liệt, có các triệu chứng: chảy máu niệu đạo dữ dội, bàng quang căng tức vì chứa máu cục, đau tức vùng hạ vị, vật vã, có khi phải mổ mới chẩn đoán được. Vỡ bàng quang với các triệu chứng: đặt sonde bàng quang dễ, nước tiểu có máu, áp lực yếu, đau vùng dưới rốn và lan ra toàn bụng, thành bụng có phản ứng và có cảm ứng phúc mạc, chọc dò ổ bụng có nước tiểu, siêu âm thấy dịch tự do trong ổ bụng.

 

Xử trí: Chống sốc, dùng thuốc giảm đau, bồi phụ khối lượng tuần hoàn. Điều trị các tổn thương kèm theo ở bụng, ngực... để cứu sống bệnh nhân.

 

 Nếu đứt niệu đạo sau cần mở thông bàng quang đối với các trường hợp có tổn thương phối hợp, tình trạng bệnh nhân nặng, ở cơ sở thiếu trang thiết bị, giải pháp này là cần thiết để cứu sống bệnh nhân, việc phẫu thuật phục hồi sẽ tiến hành sau. Mở thông bàng quang, đặt sonde niệu đạo và chỉnh lại niệu đạo, trong trường hợp tình trạng bệnh nhân không nặng, trang thiết bị đầy đủ và phẫu thuật viên đã quen làm. Phục hồi niệu đạo ngay thì đầu khi: chỉ đứt niệu đạo đơn thuần, trang thiết bị đầy đủ, phẫu thuật viên chuyên khoa.

 

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88