Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

Thông tin tổng hợp

Sẽ sớm tái sử dụng vaccin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng cho phép sử dụng lại vaccin Quinvaxem

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi nào thì chúng ta sẽ cho sử dụng lại vaccin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sau khi đã được khẳng định về độ an toàn, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế sẽ sớm có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm định vaccin Quinvaxem của WHO và đề xuất Thủ tướng cho phép sử dụng lại vaccin này trong Chương trình TCMR. Tuy nhiên, để tiếp tục sử dụng lại loại vaccin này cũng cần phải có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt là vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vaccin này đã được kiểm định chính xác về độ an toàn. PGS.TS. Phu cũng cho biết thêm, quyết định tạm dừng vaccin mà Bộ Y tế đưa ra trước đó khi chưa có kết quả thẩm định vaccin này cũng không phải là dễ dàng mà vì lý do thận trọng. Trước khi có quyết định xin tạm dừng vaccin, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép tạm dừng tiêm vaccin Quinvaxem trong Chương trình TCMR để có thời gian đánh giá một cách toàn diện hơn về nguyên nhân của các phản ứng. Trong thời gian tạm ngừng sử dụng vaccin để đánh giá tính an toàn, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO làm việc với các nhóm chuyên gia hàng đầu của WHO để đánh giá tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm; gửi mẫu vaccin từ các lô nghi ngờ có liên quan đến phản ứng cho đơn vị kiểm định độc lập là Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia về vaccin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh; tham dự và thảo luận về các trường hợp phản ứng sau tiêm ở Việt Nam tại Hội nghị của Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng... Cũng liên quan đến vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc dừng tiêm vaccin là thực hành thông thường trong tiêm chủng, bởi khi phát hiện các phản ứng sau tiêm thì chúng ta phải rất thận trọng và để có thời gian tìm ra nguyên nhân toàn diện của các ca phản ứng sau tiêm có phải là do chất lượng vaccin hay do một nguyên nhân nào khác.

Về việc đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng lại vaccin Quinvaxem trong chương trình TCMR, theo GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, quyết định này là dựa trên kết quả kiểm định của WHO và kinh nghiệm của các nước như Sri Lanka, Bhutan đã cho sử dụng lại vaccin Quinvaxem sau khi tạm ngừng, đồng thời căn cứ kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccin, sinh phẩm y tế, để chủ động phòng bệnh cho trẻ em và duy trì thành quả của Chương trình TCMR. 

TS. Takeshi Kasai cho biết, mặc dù có thể có những tai biến không mong muốn, nhưng WHO khuyến nghị tiêm chủng vì việc tiêm chủng mang lại rất nhiều lợi ích, giúp phòng chống bệnh truyền nhiễm. Việc tạm dừng tiêm chủng càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em. Bên cạnh đó, TS. Takeshi Kasai cũng chia sẻ, ông rất tiếc vì đã xảy ra những trường hợp tai biến sau tiêm vaccin, đó là những việc ngoài ý muốn, không phải do vaccin mà là sự trùng hợp ngẫu nhiên do những biến cố khác. Tình trạng này đặt Chính phủ Việt Nam vào tình thế khó khăn, bởi nếu không tạm dừng có thể xảy ra tai biến không mong muốn; nếu tạm dừng sẽ làm các đối tượng trong hệ tiêm chủng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm do không được bảo hộ...

Kiểm soát quy trình tiêm chủng chặt hơn nữa

Theo TS. Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, kết quả kiểm nghiệm tại Phòng kiểm nghiệm độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia về vaccin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh cho thấy: Các mẫu vaccin Quinvaxem nghi ngờ có liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đều đạt yêu cầu về chất lượng. Cuộc họp của Ủy ban Tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng họp tại Giơnevơ gồm 30 chuyên gia hàng đầu về tiêm chủng cũng đã xem xét tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccin 5 trong 1 trong đó có Việt Nam và nhận định: Không có bằng chứng liên quan tới việc sử dụng vaccin. Theo WHO, vaccin có thành phần ho gà toàn tế bào hay vô bào đều an toàn. Tuy nhiên, cả TS. Takeshi Kasai và GS.TS. Nguyễn Trần Hiển đều khẳng định, không có loại vaccin nào là an toàn tuyệt đối, kể cả những loại vaccin tốt nhất hiện nay, khi sử dụng vẫn có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác có sẵn hoặc do cơ địa của trẻ. Theo GS. Hiển, nguyên lý của việc tiêm vaccin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên lạ, từ đó cơ thể sản xuất ra kháng thể nhằm chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virut gây các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, không loại trừ trường hợp vẫn sẽ có các ca phản ứng sau tiêm trong thời gian tới. Để giảm thiểu những trường hợp phản ứng sau tiêm có thể xảy ra, TS. Takeshi Kasai khuyến nghị, cần siết chặt hơn nữa chất lượng tiêm chủng, đẩy mạnh quá trình theo dõi sau tiêm và có điều tra thích ứng. Các bậc cha mẹ cần hiểu biết về tình trạng sức khỏe của con em mình, thông báo ngay với nhân viên y tế nếu cảm thấy có triệu chứng không bình thường... Đồng quan điểm trên, GS Hiển cho biết, Bộ Y tế đang triển khai và phát triển quy trình chi tiết về tư vấn, sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, truyền thông cho bà mẹ và hướng dẫn bà mẹ sau khi tiêm vaccin theo dõi tại chỗ như thế nào, về nhà ra sao, khi nào đến cơ sở y tế, cách xử lý khi xảy ra bất thường sau tiêm chủng, quán triệt chặt chẽ các quy trình về thực hành tiêm chủng cho các cán bộ tiêm chủng...

Thông tin tại buổi họp báo, đại diện UNICEF cho biết, bộ phận cung ứng vaccin luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế trong Chương trình TCRM và hỗ trợ về truyền thông để các bậc cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc tiêm chủng cho trẻ em..

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88