Tin tức - Sự kiện
Sự khác nhau giữa cảm cúm và cảm lạnh
Cảm cúm và cảm lạnh là những bệnh lý về đường hô hấp thường gặp khi nhiệt độ xuống thấp. Làm cách nào để phân biệt 2 loại bệnh này và giảm nguy cơ mắc cúm trong mùa lạnh?
Tìm hiểu về cảm lạnh và cúm
Cảm lạnh
Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Bệnh cảm lạnh có thể lưu hành ở mọi thời điểm trong năm nhưng phổ biến nhất là vào thời điểm thời tiết trở lạnh vì hầu hết các virus gây cảm lạnh để dễ dàng phát triển ở môi trường có độ ẩm thấp.
Bệnh cảm lạnh thông thường chủ yếu ảnh hưởng đến các cơ quan điển hình của đường hô hấp như họng (gây viêm họng), mũi và các xoang (viêm xoang).
Người bệnh cảm lạnh thường xuất hiện các triệu chứng ở mức độ nhẹ như chảy nước mũi, ngạt mũi, ho có đờm, sốt nhẹ, cơ thể gai lạnh. Các triệu chứng này thường biểu hiện chậm rãi, từ từ, khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, uể oải trong khoảng từ 3 đến 4 ngày và sẽ tự khỏi trong vòng từ 7 đến 10 ngày.
Cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Influenza và lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh cúm thường gây ra bởi virus chủng A và B. Đây là những chủng virus rất linh hoạt, khả năng thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục mỗi năm, vì thế, một người có thể mắc cúm nhiều lần trong đời nếu không tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm.
Tương tự như cảm lạnh, bệnh cúm cũng biểu hiện thông qua các triệu chứng như sốt, sổ mũi, đau họng, khó thở, run rẩy, cơ thể mệt mỏi và gai lạnh. Tuy nhiên, những triệu chứng của cúm thường diễn biến ở mức độ nghiêm trọng hơn và thường điển hình bởi hội chứng đau nhức mình mẩy, nhức cơ, đau đầu,… dài ngày. Với trẻ nhỏ, bệnh cúm thường được nhận biết qua các triệu chứng quấy khóc vô cớ, kích thích nhiều, nôn mửa,…
Bệnh cúm có tốc độ lây lan vô cùng nhanh chóng, lây lan chủ yếu thông qua đường hô hấp, do người lành hít phải không khí có chứa virus cúm từ người bệnh khi nói chuyện/ho/hắt hơi/… Bệnh cúm không lành tính như cảm lạnh thông thường, nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như viêm phế quản, viêm xoang, viêm phổi và dị dạng thai nhi, đe dọa đến tính mạng của sản phụ…
Các đối tượng có nguy cơ cao bị cúm và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng bao gồm: trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và các đối tượng mắc bệnh nền hoặc suy yếu hệ miễn dịch như hen suyễn, bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì…
Sự khác nhau giữa cảm lạnh và cúm
Khác nhau về nguyên nhân gây bệnh
Bệnh cảm lạnh có thể gây ra bởi hơn 200 loại virus khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Rhinovirus với hơn 100 chủng khác nhau. Ngoài ra, các loại virus thường gặp khác có thể gây cảm lạnh là Coronavirus (không phải loại virus gây ra đại dịch vào năm 2019), Enterovirus,…
Bệnh cúm gây ra bởi virus cúm (Influenza virus) với 3 chủng virus gây bệnh ở người là cúm chủng A, B và C. Trong đó, virus cúm chủng A và B là nguy hiểm và lưu hành phổ biến hơn cả.
Sự khác nhau về biểu hiện bệnh
Các biểu hiện của cảm lạnh thường xuất hiện dần dần, chậm rãi, thường bắt đầu bằng triệu chứng đau họng và thường hết hẳn sau vài ngày sau đó. Tiếp đó là các biểu hiện liên quan đến mũi như chảy nước mũi, sổ mũi, nghẹt mũi và ho vào ngày 4-5.
Sốt nhẹ cũng là một biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân mắc cảm lạnh nhưng chỉ phổ biến ở trẻ em. Cảm lạnh thường khỏi hẳn sau từ 7 đến 10 ngày nhưng các biểu hiện trên có thể sẽ kéo dài đến 2 tuần, tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe và quá trình dưỡng bệnh.
Đối với cúm, các biểu hiện của bệnh thường là sốt cao từ 39 – 40 độ C, nhiều trường hợp nặng có thể lên đến 41 độ C, kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Ngoài ra, sốt cao do cúm gây ra thường đi kèm với hội chứng đau như đau nhức cơ bắp, nhất là vùng cơ lưng dưới, đau đầu dữ dội, đau bụng, mệt mỏi, suy nhược, ớn lạnh, nôn mửa, tiêu chảy,…
Các biểu hiện của cúm thường xuất hiện nhanh chóng, đột ngột và nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường. Cúm thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần.
Khác nhau về biến chứng
Bệnh cảm lạnh thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, mặc dù cảm lạnh có thể làm gia tăng khả năng lên cơn hen suyễn ở những người bệnh bị hen suyễn. Một số biến chứng có thể gặp do cảm lạnh gây ra gồm có: Tắc nghẽn xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản.
Ngược lại, bệnh cúm nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan (suy thận, suy hô hấp,…), viêm cơ, tiêu cơ vân, nhiễm trùng huyết, viêm đường tiết niệu,… Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu bị nhiễm cúm có thể gây dị tật thai nhi, thai lưu hoặc sảy thai, vì đây là giai đoạn nhạy cảm, thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển các bộ phận của cơ thể.
Biến chứng nguy hiểm nhất mà cúm có thể gây ra cho người bệnh là hội chứng Reye gây sưng phù ở não và gan, thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 16 tuổi. Hội chứng Reye rất hiếm gặp nhưng có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh với tỷ lệ tử vong rất cao. Hội chứng Reye xuất hiện đột ngột, chỉ sau vài ngày phát bệnh, khi các dấu hiệu của cúm giảm dần, trẻ đột nhiên mê sảng, nôn mửa, co giật, hôn mê sâu và tử vong.
Sự khác nhau về biện pháp phòng ngừa
Cảm lạnh là bệnh lý về đường hô hấp lành tính, hiện không có vắc xin phòng cảm lạnh, bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày nếu được chăm sóc tốt. Bên cạnh đó, bệnh cảm lạnh có thể phòng ngừa bằng những cách sau:
Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với các vật dụng không rõ tình trạng nhiễm khuẩn. Nếu không có xà phòng và nước, có thể sử dụng chất khử trùng tay có chứa cồn hoặc các sản phẩm nước rửa tay khô. Virus gây ra cảm lạnh có thể tồn tại trên bề mặt da tay trong nhiều giờ đồng hồ vì thế việc rửa tay sạch sẽ thường xuyên có thể phòng ngừa cảm lạnh vô cùng hiệu quả.
Hạn chế dùng tay chạm vào các bộ phận chứa dịch tiết của cơ thể như mũi, miệng, mắt khi chưa rửa sạch.
Hạn chế lại gần với những người mắc cảm lạnh vì virus gây cảm lạnh có thể lây lan nhanh chóng khi tiếp xúc gần với người bệnh.
Đối với cúm, đây là bệnh lý về đường hô hấp do virus cúm gây ra nên biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm. Đây là phương pháp tạo ra hệ miễn dịch chủ động bảo vệ cơ thể người tiêm khỏi sự tấn công của virus cúm biến đổi hàng năm. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa cúm như sau:
Tránh tiếp xúc gần với người bệnh đang mắc cúm, bởi virus cúm có thể lây lan qua người khỏe mạnh khi họ hít phải những giọt bắn từ người bệnh khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện.
Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng cồn khử khuẩn, nước rửa tay khô,…
Tránh chạm tay vào các cơ quan chứa dịch thể như mắt, mũi, miệng,…
Duy trì thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, stress,…
Uống nhiều nước và bổ sung nhiều thực phẩm bổ dưỡng để cải thiện sức đề kháng của cơ thể.
Những cách để phòng ngừa tối đa cúm và cảm lạnh
Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm;
Nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể thông qua việc tiêu thụ những loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin, uống nhiều nước, cân đối việc tiếp nạp các nhóm dưỡng chất chính như chất béo, tinh bột và chất đạm).
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là tay các các cơ quan chứa dịch tiết của cơ thể như mắt, mũi, miệng,…
Sử dụng thuốc kháng virus cũng có thể giúp ngăn ngừa cúm và cảm lạnh sau khi vô tình tiếp xúc với người có triệu chứng của cúm hoặc cảm lạnh.
Súc miệng hoặc nhỏ mũi bằng nước muối loãng.
Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh.
Hạn chế tụ tập nơi đông người.
Tránh tiếp xúc với các đối tượng bị cúm hoặc cảm lạnh hoặc có triệu chứng của cúm và cảm lạnh,…
Đánh giá bài viết
Tin liên quan
- 5 vị thuốc trị mất ngủ (18/03/2025)
- Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (25/02/2025)
- Chuyến thăm khám sức khỏe, tư vấn và phát thuốc miễn phí của Dược Phẩm Đa Phúc tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (14/01/2025)
- 3 quy định mới về bảo hiểm y tế từ tháng 1/2025 (03/01/2025)
- CẬP NHẬT: 8 nội dung mới của Bảo hiểm Y Tế năm 2024 (28/12/2024)