Thông tin tổng hợp
Về phản ứng có hại của thuốc ngừa thai yaz và yasmin
Thông tin từ cơ quan quản lý dược các nước
Ngày 10/4/2012, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông báo về việc thay đổi thông tin trên nhãn của các thuốc tránh thai đường uống có chứa hoạt chất drospirenone sau khi cơ quan này hoàn thành việc xem xét lại các nghiên cứu dịch tễ học liên quan đến nguy cơ huyết khối ở bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai đường uống chứa drospirenone. FDA kết luận các thuốc này có thể liên quan đến nguy cơ huyết khối cao hơn so với các thuốc tránh thai đường uống có chứa dẫn xuất của progestin khác.
Ngày 6/7/2012, trong một báo cáo đánh giá của Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) cho rằng, kết quả một số nghiên cứu trong thời gian gần đây cho biết, các thuốc tránh thai đường uống có chứa drospirenone có nguy cơ huyết khối cao hơn so với các thuốc tránh thai chứa levonorgestrel.
Tại Canada, từ ngày 7/6/2011 Cơ quan Quản lý dược Canada thông báo bắt đầu đánh giá tính an toàn của thuốc có chứa drospirenone (yaz; yasmin) và nguy cơ huyết khối, đến ngày 5/12/2012, Cơ quan Quản lý dược Canada hoàn tất đánh giá và cho biết các thuốc tránh thai có chứa drospirenone có nguy cơ huyết khối cao hơn từ 1,5 - 3 lần so với các thuốc tránh thai khác.
Ngày 6/6/2013, trong một báo cáo tóm tắt phản ứng có hại của thuốc liên quan đến yaz và yasmin tại Canada thu thập thông tin trong vòng 48 năm từ 1/1/1965 - 28/2/2013 cho thấy: 9 trường hợp tử vong xảy ra trên bệnh nhân dùng yaz và 18 trường hợp tử vong trên bệnh nhân dùng yasmin. Tuy nhiên, báo cáo nói trên chỉ nêu hiện tượng mà chưa đưa ra kết luận mối liên hệ giữa tử vong và việc dùng thuốc.
Đến nay, theo thông tin Cục Quản lý dược có được, chưa có quyết định chính thức nào khác của cơ quan quản lý dược nước ngoài về các thông tin nêu trên.
Tại Việt Nam
Ngày 24/9/2012, Cục Quản lý dược đã có Công văn số 14542/QLD-TT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế thông báo thông tin liên quan đến tính an toàn của các thuốc tránh thai chứa drospirenone. Công văn nêu trên cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường theo dõi, phát hiện và xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc có chứa drospirenone; gửi báo cáo về Cục Quản lý dược và Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.
Mẫu nhãn thuốc yaz và yasmin đang lưu hành tại Việt Nam đã được cập nhật thông tin về nguy cơ huyết khối tĩnh mạch của các thuốc này.
Cục Quản lý dược hiện vẫn đang theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến thuốc tránh thai có chứa drospirenone từ cơ quan quản lý dược các nước để có quyết định xử lý kịp thời.
Đánh giá bài viết
Tin liên quan
- [Khoa học] Đôi mắt đã phản bội chúng ta như thế nào? (28/05/2015)
- Nhiệt độ ở những nơi nóng và lạnh nhất thế giới (28/05/2015)
- 54 bức ảnh tuyệt đẹp về Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới (25/05/2015)
- Chế tạo thành công bê tông sinh học có thể tự chữa lành vết nứt bằng vi khuẩn (25/05/2015)
- Những hình ảnh lịch sử quý giá về ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (02/10/2014)