Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

RĂNG - HÀM - MẶT

Giải pháp tối ưu cho người bị mất răng

Việc mất răng vì bất cứ nguyên nhân gì, như sâu răng, viêm lợi hay chấn thương vùng mặt… đều có thể gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Mất răng không chỉ làm mất thẩm mỹ, khó phát âm một số từ, khiến cho bạn thiếu tự tin trong giao tiếp, mà còn dẫn đến ăn nhai kém ngon miệng hay nghiêm trọng hơn là gây xô lệch cả hàm.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đã nhận thức được tất cả những nguy cơ đó, thì việc lựa chọn giải pháp thay thế răng mất cũng không hề đơn giản: Nên làm cầu răng, cấy ghép implant hay mang hàm giả? Vật liệu nha khoa nào phù hợp nhất? Trong bài viết sau đây, các chuyên gia tư vấn nha khoa của Benh.vn sẽ đưa ra các tiêu chí đánh giá giúp người mất răng lựa chọn được giải pháp thích hợp nhất cho mình.

Các phương pháp thay thế răng mất

Với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, hiện nay ngành nha khoa thế giới đã đưa ra được ba phương pháp thay thế răng mất: bao gồm cầu răng, implant nha khoa và hàm giả.

Cầu răng là phương pháp phục hồi răng mất phổ biến trước kia, áp dụng cho răng mất từ 1 đến 3 chiếc liền nhau. Với phương pháp này, nha sỹ sẽ mài bớt 2 răng kế cận phần răng mất để làm trụ, sau đó làm một chiếc “cầu” – bao gồm phần răng mất được phục hình gắn liền với 2 chụp răng bọc phía ngoài răng trụ. Hai loại vật liệu phổ biến để làm cầu răng hiện nay là sứ bọc titan và sứ toàn phần.


Cầu răng là phương pháp phục hồi răng mất phổ biến trước kia, áp dụng cho răng mất từ 1 đến 3 chiếc liền nhau.

Implant (tiếng Việt có nghĩa là “cấy ghép lên cơ thể”), là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay. Một chân răng giả sẽ được cấy vào vị trí răng mất để thay thế cho chân răng thật, sau đó bác sỹ thiết kế một phục hình bọc lên trên chân răng này, hoàn chỉnh chiếc răng mới. Chất liệu cơ bản của implant là titanium, tuy nhiên có nhiều loại implant từ các hãng khác nhau như Hàn Quốc, Đức, Mỹ… phù hợp với loại răng mất và tình trạng xương hàm của từng người.

Phương pháp lâu đời nhất được biết đến là làm hàm giả tháo lắp hoặc hàm giả cố định. Hàm giả gồm một khung kim loại và các răng giả bằng nhựa phía trên, gắn vào vị trí răng mất. Phương pháp này áp dụng cho người mất nhiều răng và thường là răng cửa, vì các răng này không phải chịu lực ăn nhai nhiều như răng hàm.

Các tiêu chí lựa chọn phương pháp thay thế răng mất

Lợi ích đối với sức khỏe răng miệng

Trong hầu hết các trường hợp mất răng, cấy ghép implant sẽ được ưu tiên chỉ định, đây được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành nha khoa. Implant sẽ tạo nên một răng nhân tạo, độc lập với các răng khác và có khả năng khôi phục đến 90% chức năng ăn nhai và đảm bảo thẩm mỹ, độ bền lâu dài (15 – 20 năm).

Trong khi đó, cầu răng đòi hỏi mài bớt mô răng của 2 răng kế cận, đồng thời lực nhai bị dồn vào 2 răng trụ này, nếu thực hiện dưới tay nghề của nha sỹ ít kinh nghiệm dễ xảy ra tình trạng làm suy yếu các răng, giắt thức ăn dưới “gầm cầu” và tiêu xương hàm do phần chân răng mất không được phục hồi. Cầu răng được thực hiện đúng tiêu chuẩn có khả năng hoạt động tốt trong khoảng 7 đến 15 năm.


Trong hầu hết các trường hợp mất răng, cấy ghép implant sẽ được ưu tiên chỉ định.

Giải pháp còn lại là răng giả tháo lắp bằng nhựa, ít được khuyến khích nhất bởi chỉ chủ yếu giải quyết yếu tố thẩm mỹ, chức năng ăn nhai kém, chỉ phục hồi được khoảng 30%. Sau khoảng một vài năm sử dụng, răng giả sẽ bị xuống màu do chất nhựa tác dụng với axit có trong thức ăn. Bệnh nhân lắp răng giả thường phải chấp nhận ăn đồ mềm, cháo hay các loại súp, vì vậy răng giả thường được chỉ định khi bệnh nhân đã khá lớn tuổi và muốn tiết kiệm chi phí.

Thời gian thực hiện

Implant là phương pháp tối ưu nhất song cũng cần đầu tư nhiều thời gian nhất để hoàn thiện. Để có một chiếc răng vững chắc, yếu tố quan trọng là mật độ xương hàm của vị trí răng mất phải đủ để giữ phần chân răng cấy ghép. Sau khi cấy chân titan, bệnh nhân cần đợi từ 3 đến 6 tháng để chân răng tích hợp vào xương hàm, sau đó mới làm phục hình phía trên. Như vậy tổng thời gian cho 1 implant là từ 3 đến 6 tháng tùy vào cơ địa của từng người, chưa kể nếu răng bạn mất quá lâu dẫn đến vùng xương bị tiêu mất, bạn cần thực hiện thêm giai đoạn ghép xương, kéo dài thêm khoảng 4 tháng nữa.

Cầu răng và răng giả tháo lắp đơn giản hơn rất nhiều, toàn bộ quy trình cho 2 giải pháp này tối đa chỉ khoảng 1 tuần. Vì vậy với những người eo hẹp về thời gian có thể lựa chọn 1 trong 2 giải pháp này.

Các vấn đề sức khỏe cá nhân

Những người nghiện thuốc lá, hoặc mắc bệnh tiểu đường nặng, huyết áp cao thường được khuyến cáo không thể cấy ghép implant do nguy cơ đào thải chân răng titan cao. Quá trình cấy ghép implant đòi hỏi vô khuẩn và giữ vệ sinh răng miệng tốt, việc hút thuốc lá làm tăng độ bám của cao răng và dễ gây nhiễm trùng sau tiểu phẫu. Nếu là người nghiện thuốc lá nặng không thể bỏ hoặc mắc các bệnh kể trên, người bệnh nên lựa chọn làm cầu răng hoặc răng nhựa giả.


Nếu là người nghiện thuốc lá nặng không thể bỏ hoặc mắc tiểu đường, cao huyết áp, người bệnh nên lựa chọn làm cầu răng hoặc răng nhựa giả.

Chi phí thực hiện

Ngoài những yếu tố kể trên, vấn đề chi phí cũng quan trọng không kém khi bạn quyết định một giải pháp thay thế răng mất cho mình.

Hàm giả tháo lắp là phương pháp ít tốn kém nhất, chỉ từ vài trăn ngàn đến hơn một triệu là bạn có thể có một hàm giả tháo lắp hoàn chỉnh. Tuy nhiên do những yếu điểm như đã nói ở trên, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm hàm giả tháo lắp.

Chi phí thực hiện cấy ghép implant cho người có xương hàm khỏe mạnh dao động từ 7 đến 30 triệu do trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại implant khác nhau cho người bệnh lựa chọn. Đối với răng hàm, không yêu cầu thẩm mỹ cao, bạn có thể yêu cầu cấy ghép chân răng có chi phí thấp hơn (7 đến 15 triệu) như Osstem, Biogenesis của Hàn Quốc. Với răng cửa, implant Biohorizon hay Nobel của Mỹ là lựa chọn tốt hơn với giá khoảng 20 đến 25 triệu. Implant Straumann từ Thụy Sĩ với khả năng rút ngắn thời gian tích hợp còn tối đa 2 tháng có giá cao hơn cả, rơi vào khoảng 22 đến 30 triệu.

Cầu răng sứ dường như là giải pháp có chi phí vừa phải nhất. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào chất liệu sứ mà bạn lựa chọn mà giá cầu răng cũng có thể chênh lệch nhiều. Cầu răng sứ lõi kim loại tại hầu hết các phòng khám hiện nay có giá rơi vào khoảng 5 - 7 triệu đồng cho 1 cầu 3 đơn vị (1 răng mất và 2 răng trụ). Với răng sứ toàn phần E.max của Ivoclar Vivadent (Đức) hoặc răng Cercon của Dentsply, chi phí cho 1 cầu răng có thể lên tới 15 triệu. Ưu điểm của sứ toàn phần là bền hơn, không bị đổi màu theo thời gian và có độ tương hợp sinh học cao hơn (lõi kim loại tác dụng với axit trong thức ăn sẽ bị mòn dần theo thời gian, gây cảm giác có mùi kim loại trong miệng và không tốt cho sức khỏe.)

Kết luận

Như vậy, việc lựa chọn một giải pháp cho một chiếc răng mất không hề đơn giản chút nào. Thậm chí ngay cả khi bạn có nhiều thời gian và tiền bạc đi chăng nữa, chưa chắc bạn có thể lựa chọn phương pháp tối ưu nhất cho mình nếu thói quen sinh hoạt, vệ sinh răng miệng hoặc tiền sử sức khỏe của bạn không tốt. Benh.vn hi vọng bài viết này không chỉ trang bị thêm kiến thức nha khoa mà còn tạo thêm động lực giúp bạn quan tâm đến sức khỏe răng miệng của chính bản thân và gia đình mình.

Theo Sức Khỏe Đời Sống

 

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88