Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

Tin tức - Sự kiện

Lễ kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam và Tổng kết công tác dân số năm 2023

Sáng 26/12/2023, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức lễ Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam và hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024. 

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dự và phát biểu tại Hội nghị. Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo UBND một số tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế và Chi cục Dân số - KHHGĐ 63 tỉnh thành.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.

 

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Dân số cho biết: Năm 2023, công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Điều đó thể hiện "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển".

 

Tuy nhiên năm 2023, một số chỉ tiêu công tác dân số không hoàn thành, rất nhiều khó khăn, hạn chế. Mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế, còn biến động khó lường; hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa được đầu tư đúng mức làm giảm độ tin cậy đáp ứng yêu cầu.

 

Đối với chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP, chỉ có chỉ tiêu tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh): 73.8 là đạt kế hoạch….

Về chỉ tiêu chuyên môn "Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn" không đạt kế hoạch đề ra (năm 2023 giảm 15% so với năm 2022). Nguyên nhân không đạt là do vị thành niên và thanh nhiên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ dân số, kế hoạch hoá gia đình, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính; Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai; Gia đình vị thành niên, thanh niên còn chưa chú trọng việc giáo dục sức khỏe sinh sản để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.

 

Chỉ tiêu "tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh)" (chỉ tiêu giao 60%): Tính đến ngày 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh chủ yếu bằng kỹ thuật siêu âm (tương ứng 69.63%) số phụ nữ mang thai và chỉ có 11,65% phụ nữ mang thai được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm.

Chỉ tiêu "Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh" (chỉ tiêu giao 55%): Tính đến 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố, số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm mẫu máu gót chân (ít nhất 02 bệnh) là 557806/931805 (tương ứng 59.91%) số trẻ em mới sinh 2023.

 

Chỉ tiêu "Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn" (chỉ tiêu giao 8% so với năm 2022): Tính đến ngày 21/12/2023 có 55/63 tỉnh/thành phố gửi báo cáo. Tuy nhiên, các báo cáo gửi chưa thống kê đầy đủ số liệu tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn (có 40 tỉnh, thành phố có số liệu về tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và chỉ có 14/40 tỉnh có số liệu báo cáo đạt chỉ tiêu kế hoạch giao: tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn:chỉ tiêu giao 8% so với năm 2022). Dự kiến năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra.

 

Chỉ tiêu "Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm" (chỉ tiêu giao 11% so với năm 2022): Tính đến ngày 21/12/2023 có 48/63 Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố gửi báo cáo. Tỉ lệ người cao tuổi khám sức khỏe ước tính đạt 55.3% năm 2023 (của 44 tỉnh, thành phố báo cáo số liệu, 4 tỉnh không có số liệu khám: Lạng Sơn, Nam Định, Đắk Lắk, Vĩnh Long ). Dự kiến cả năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao là tăng 11% so với năm 2022 là 57.5%.

 

Để công tác dân số tiếp tục triển khai và hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số cho biết, Cục Dân số kiến nghị với Bộ Y tế: Được ưu tiên bố trí ngân sách Trung ương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030; Sớm ban hành Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế (Thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương). Đồng thời cũng kiến nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục bố trí ngân sách Trung ương mua phương tiện tránh thai miễn phí cho người dân tại các địa phương có mức sinh cao và đối tượng ưu tiên.

 

Bên cạnh đó, Cục Dân số cũng kiến nghị với Sở Y tế các tỉnh thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND: Lồng ghép các yếu tố dân số vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai, thực hiện; ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, NQ137/NQ-CP (đối với các tỉnh chưa ban hành hoặc ban hành chưa đầy đủ); bố trí đủ kinh phí từ ngân sách của địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số; ban hành theo thẩm quyền quy định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương, cơ chế đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cá nhân cung cấp các dịch vụ dân số phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế ở địa phương.

 

Cục Dân số cũng kiến nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố giữ ổn định tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ làm công tác dân số đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm trong việc tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân, chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. "Vì vậy, tại buổi lễ hôm nay, Bộ Y tế trân trọng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.

 

Cũng nhân buổi lễ, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành dân số cả nước cần chú trọng các nội dung sau:

- Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương và đất nước;

- Thứ hai, đổi mới, đa dạng hóa các loại hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đến bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân;

- Thứ ba, Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Thí điểm triển khai mô hình Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ban ngày;

- Thứ tư, cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như vị thành niên, thanh niên, người di cư.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2023, Bộ Y tế đã chọn chủ đề: "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc nâng cao sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88