Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

Tin tức - Sự kiện

Lời kêu gọi bảo tồn và phát triển dược liệu Việt Nam

Bức tranh tổng thể của Dược liệu Việt đã có những khởi sắc rõ rệt sau những chỉ đạo, định hướng cụ thể của Đảng và Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đã và đang nỗ lực bảo tồn các giống cây dược liệu quý, mở rộng diện tích trồng, phát triển sản xuất, thiết lập các chuỗi liên kết giá trị dược liệu...

 

Việc phát triển dược liệu đã trở thành tiền đề để vừa đáp ứng yêu cầu phòng và chữa trị bệnh tật, nâng cao sức khỏe người dân, vừa tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức diễn ra tối 21/12 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

 

Đến dự buổi lễ có Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; PGS.TS Lê Văn Truyền - Chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/Trung tâm thuộc Bộ Y tế; Nhà báo Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống, Trưởng Ban tổ chức.

 

Về phía Ủy ban Dân tộc có ông Đặng Tiến Hùng - Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã nuôi trồng, phát triển, chế biến và kinh doanh dược liệu cùng đồng nghiệp, người thân đã có mặt tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) để dự buổi lễ.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chụp ảnh cùng Hội đồng xét duyệt.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chụp ảnh cùng Hội đồng xét duyệt.

3 tháng phát động thu hút hơn 100 hồ sơ của các doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể tham gia

Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đã xác định dược liệu là một trong những lĩnh vực trọng tâm phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Lễ Vinh danh nhằm ghi nhận sự đóng góp của các hộ gia đình, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Qua đó tuyên truyền, nâng cao kiến thức, cổ vũ và lan tỏa ý nghĩa xã hội của các dự án phát triển vùng trồng dược liệu, đặc biệt là các loài dược liệu quý hiếm, phát huy tinh hoa và giá trị y dược cổ truyền Việt Nam.

 

Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ cá thể. Qua nhiều vòng bình xét, họp một cách nghiêm túc, công tâm, Hội đồng xét duyệt hồ sơ đã lựa chọn được gần 40 doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể có thành tích xuất sắc vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các HTX được vinh danh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng các HTX được vinh danh.

Khai mở "kho vàng" dược liệu Việt

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Từ hàng nghìn năm nay, Việt Nam ta đã có một nền y dược học cổ truyền lâu đời, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và trị bệnh cho người dân. Đại Danh y thiền sư Tuệ Tĩnh - người đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt Nam từng nói: "Nam dược trị Nam nhân" - thuốc Nam dùng chữa bệnh cho người Nam.

 

Được gìn giữ, lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ, nền y học cổ truyền Việt Nam trở thành một di sản rất độc đáo với những bài thuốc, phương thuốc trị bệnh sử dụng thảo mộc.

Trong bộ "Nam dược thần hiệu", Thiền sư Tuệ Tĩnh đã viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có đến 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật. Còn tại bộ "Lĩnh Nam bản thảo", Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã kế thừa, bổ sung về công dụng hoặc phát hiện thêm 305 vị thuốc mới.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về việc phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Các loại cây có thể dùng làm thuốc ở nước ta phân bố rộng khắp cả nước.

 

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50.000-60.000 tấn dược liệu khác nhau. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản; thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm,…

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận và các doanh nghiệp tại hạng mục Doanh nghiệp tiêu biểu

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận và các doanh nghiệp tại hạng mục Doanh nghiệp tiêu biểu

 

Ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Hiện tại, Việt Nam là một trong 15 nước có tên trên bản đồ dược liệu thế giới.

 

Nhằm khai mở "kho vàng" dược liệu Việt, ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loại dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Tiếp đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg, phê duyệt "Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030...", trong đó tạo nhiều điều kiện, cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư trồng dược liệu, phát triển sản xuất.

 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá cao chương trình truyền thông "Vai trò, giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" do Báo Sức khỏe và Đời sống và Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền tổ chức, mà buổi lễ vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt" tổ chức hôm nay là một điểm nhấn rất ý nghĩa và đáng nhớ.

 

"Tôi tin tưởng rằng các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được vinh danh hôm nay sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, khuyến khích các tập thể và cá nhân khác ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác bảo tồn và phát triển dược liệu theo định hướng của Chính phủ, đồng thời cổ vũ phong trào xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây dược liệu"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Dược liệu làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân tộc thiểu số

Tham gia Hội đồng Xét duyệt hồ sơ có các thành viên đều là những lãnh đạo, chuyên gia, người có uy tín, có kiến thức, kinh nghiệm và am hiểu sâu rộng về dược liệu. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ Hội đồng xét duyệt đều thực hiện nghiêm túc, công tâm, minh bạch để lựa chọn gần 40 đơn vị, cá nhân để vinh danh.

 

Ban Tổ chức đã trao vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt cho 11 Hộ gia đình. Đây cũng là một trong những hạng mục nhận được nhiều sự quan tâm của những đối tượng tham gia, gửi hồ sơ về Ban Tổ chức.

 

Chia sẻ tại chương trình, đại diện hộ gia đình ông Sùng Seo Sếnh – Bắc Hà, Lào Cai - vừa nhận được Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt ở hạng mục Hộ gia đình không giấu nổi niềm vui khi quyết định tham gia vào liên kết chuỗi của HTX và ký hợp đồng liên kết sản xuất dược liệu đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình.

 

Ông Sếnh cho biết, hiện tại hộ gia đình đang nuôi trồng hơn 2 ha trồng cây dược liệu đương quy và cát cánh. Hiệu quả thu được sau 4 năm trồng dược liệu tăng hơn hẳn so với trồng cây lương thực. Bình quân mỗi năm gia đình thu về khoảng 500 triệu đồng từ nuôi trồng những cây dược liệu này. "Niềm vui của chúng tôi không chỉ là đời sống được tốt hơn mà còn góp phần làm cho cây dược liệu quý không bị mai một"- ông Sếnh nói.

 

Tiếp đến, Ban Tổ chức đã vinh danh 15 doanh nghiệp dược liệu tiêu biểu có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Ban Tổ chức vinh danh hộ gia đình ông Sùng Seo Sếnh – Bắc Hà, Lào Cai

Ban Tổ chức vinh danh hộ gia đình ông Sùng Seo Sếnh – Bắc Hà, Lào Cai

 

Trong những năm qua, từ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vùng trồng dược liệu cho nền y học cổ truyền; nhiều HTX tiêu biểu đã tham gia liên kết sản xuất sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn, từ đó dần khẳng định vị thế của mình và góp phần mang đến thị trường nhiều sản phẩm chất lượng từ dược liệu quý, đem lại thu nhập ổn định và một cuộc sống ấm no hơn cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ở hạng mục này, Ban Tổ chức đã vinh danh 13 HTX tiêu biểu.

 

Lễ Vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt đã khép lại, nhưng dư âm của chương trình chắc hẳn sẽ kéo dài thêm bởi từ những 'hạt giống' là các hộ gia đình, cá thể, HTX hay các doanh nghiệp được vinh danh lần này đã góp phần gieo mầm và làm nhân lên nhiều thêm những hộ gia đình, cá thể, HTX hay các doanh nghiệp gắn bó, bảo tồn và phát triển "kho vàng' dược liệu Việt...

 

Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88