Địa chỉ: 395 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội
Đặt hàng online: 0243 7823 009

Tin tức - Sự kiện

Mô hình lây truyền, mức độ các bệnh truyền nhiễm thay đổi do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người theo nhiều cách khác nhau, như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, thay đổi mô hình lây truyền và mức độ các bệnh truyền nhiễm. Nhiệt độ tăng 1oC sẽ làm tăng khoảng 7%-11% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, 5,6% mắc bệnh tay chân miệng…

 

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp nhóm đối tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/11 vừa qua với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu.

Cuộc họp nhằm mục đích đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe tại Việt Nam, thảo luận về các ưu tiên, các giải pháp, các hợp tác trong thời gian tới, chuẩn bị cho hệ thống y tế theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội và con người. Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng thế giới năm 2020, tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể làm mất đi 3,2% GDP.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương -Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương -Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

 

"Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gây ra bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, cháy rừng và ô nhiễm không khí. Biến đổi khí hậu tác động tới nhu cầu cơ bản của con người như nước sạch, vệ sinh môi trường, an ninh lương thực, ảnh hưởng rất lớn tới các quốc gia đang phát triển và nhóm dân số dễ bị tổn thương: người già, trẻ em, người có bệnh nền và nhóm dân tộc thiểu số"- PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

 

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang quan tâm chỉ đạo, thực hiện các cam kết và đề xuất ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện các giải pháp ứng phó ở tất cả các cấp, các ngành.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

 

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

 

Trong ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó gồm các giải pháp và hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

"Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động ứng phó theo chức năng nhiệm vụ. Vào tháng 10/2023 Bộ Y tế đã đăng ký tham gia Liên minh hành động về Biến đổi khí hậu và Sức khỏe ATTACH, cho thấy mong muốn của Việt Nam được cùng với các quốc gia trên thế giới trao đổi, chia sẻ và cam kết thực hiện các sáng kiến về biến đổi khí hậu và sức khỏe"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin

 

Với những nỗ lực trên, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện Công ước và các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu và đã được ghi nhận tại các diễn đàn quốc tế.

Tuy nhiên, với tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, còn cần rất nhiều nỗ lực, hợp tác, chung tay của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các đối tác quốc tế, các địa phương và cộng đồng.

 

Cuộc họp nối điểm cầu Hà Nội với điểm cầu chuyên gia WHO tham dự.

Cuộc họp nối điểm cầu Hà Nội với điểm cầu chuyên gia WHO tham dự.

Thí điểm mô hình cơ sở chăm sóc sức khỏe có khả năng thích ứng với khí hậu và bền vững với môi trường

Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế, chính sách, môi trường đến từ Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh đến thực trạng của biến đổi khí hậu tác động lên kinh tế - xã hội và đặc biệt là sức khỏe con người.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trong bài tham luận tại cuộc họp thông tin, chỉ hai tuần nữa, Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP28, sẽ nhóm họp - với trọng tâm chính là tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu.

 

"Lần đầu tiên, COP sẽ ưu tiên nhu cầu ứng phó đầy tham vọng trước tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng - bao gồm Ngày Sức khỏe lần đầu tiên tại COP, cuộc họp cấp bộ trưởng về y tế và khí hậu; tuyên bố cấp bộ về khí hậu và sức khỏe"- TS Angela Pratt nói.

TS Angela Pratt cho hay Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, chịu rủi ro cao về lũ lụt và bão, hai ngành kinh tế chủ yếu là công nghiệp và nông nghiệp đều nằm ở vùng đồng bằng và đồng bằng.

 

Và Việt Nam đã cảm nhận được những tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu: từ những tác động trực tiếp và tức thời – như nắng nóng cực độ, thiệt hại cho các cơ sở y tế và thương tích do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, đến những tác động gián tiếp như tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát dịch ngày càng tăng. các bệnh nhạy cảm với khí hậu như sốt xuất huyết, đến các bệnh về đường hô hấp do không khí bị ô nhiễm.

 

Đại diện các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế tham gia thảo luận, chia sẻ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ.

Đại diện các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế tham gia thảo luận, chia sẻ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khoẻ.

 

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ đánh giá cao Bộ Y tế vì hành động mạnh mẽ đang thực hiện để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe.

 

"Ví dụ với sự hỗ trợ của WHO, Bộ Y tế đã thí điểm các mô hình cơ sở chăm sóc sức khỏe có khả năng thích ứng với khí hậu và bền vững với môi trường, đảm bảo các cơ sở này có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu"- TS Angela Pratt nói và bày tỏ: WHO mong muốn tiếp tục hợp tác với Bộ và các đối tác khác nhằm xây dựng một hệ thống y tế ở Việt Nam có khả năng chống chịu khí hậu và bền vững môi trường hơn, bao gồm thông qua hỗ trợ ngành y tế giảm lượng khí thải carbon và dấu chân môi trường của chính mình.

 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn các đối tác sẽ tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp về kỹ thuật, tài chính cho ngành y tế tiếp tục triển khai kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và sức khỏe, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về biến đổi khí hậu ở cấp khu vực và toàn cầu./

Đánh giá bài viết

Họ tên (*): Email (*):

Nội dung (*): (vui lòng viết tiếng việt có dấu) Mã an toàn:   Thiet ke website pro
+ Phản ánh của bạn đọc về bài viết:
X
098 776 55 88