Tin tức - Sự kiện
Tìm kiếm chìa khóa của sự trường thọ
Các nhà khoa học tin rằng có một mối liên kết di truyền khiến con người có thể sống hơn một thế kỷ mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn.
Những thành viên cao tuổi trong gia đình Keane ở Mỹ đang giúp giới nghiên cứu giải mã bí mật tuổi thọ cao của họ.
Cụ bà Helen, 108 tuổi, thường gọi là "Happy" (hạnh phúc) từ lúc cụ còn bé. Sau cơn đột quỵ xảy ra cách đây khoảng 5 năm, phát âm của cụ hơi líu nhíu, nhưng trí óc của cụ còn tinh anh, thậm chí trí nhớ của cụ tốt hơn cả một người phụ nữ Philippines 37 tuổi đang chăm sóc cụ tại nhà.
Helen Faith Keane Reichert sinh ngày 11/11/1901, ở khu Manhattan, New York, là con gái của một gia đình di dân người Do Thái từ Ba Lan. Ở cái tuổi "vàng" này, cụ bà "Happy" cùng với 2 em trai Irving 104 tuổi và Peter 100 tuổi, em gái Lee đã chết năm 2005 cũng ở tuổi bách niên thu hút mạnh sự chú ý của giới khoa học.
Nhóm 4 chị em được cho là thọ nhất thế giới đã cung cấp các mẫu máu và trả lời câu hỏi của các nhà nghiên cứu về tuổi thọ đến từ Boston và New York. Các nghiên cứu sẽ giúp trả lời câu hỏi đang ngày càng khó giải mã về cộng đồng người cao tuổi ở các quốc gia phát triển.
Những nhà nhân khẩu học tính toán tuổi thọ trung bình của con người trên thế giới phát triển tăng lên trong 170 năm qua với trung bình 3 tháng trong một năm. Ở nước Đức, tuổi thọ trung bình là 82 đối với phụ nữ và 77 ở nam giới, dự đoán con số sẽ còn tăng nữa.
Làm thế nào số dân có tuổi thọ cao ngày càng tăng thoát được chứng bệnh thường vốn có của tuổi già như xơ vữa động mạch, đái tháo đường, ung thư và Alzheimer? Những người sống đến trăm tuổi liệu có thể cung cấp "công thức" chống lại những phiền toái xảy đến cho số người già ngày càng tăng hiện nay? Có khoảng 50.000 người sống trên 100 tuổi ở Mỹ, dưới 6.000 người ở Đức.
Một trong bảy triệu người sống từ 100 tuổi trở lên và khoa học gọi số người đặc biệt này là người siêu thọ. Các nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới đang tìm kiếm những người thọ 100 tuổi và siêu thọ (trên 100 tuổi) để nghiên cứu gene, hồ sơ bệnh án và những tiểu sử.
Bác sĩ Israel - Nir Barzilai và đồng nghiệp Viện nghiên cứu lão hóa, Đại học Y khoa Albert Einstein, New York phỏng vấn hàng trăm cụ ông cụ bà 100 tuổi với hàng loạt câu hỏi đưa ra như chi tiết về hoàn cảnh sống của họ, chế độ dinh dưỡng, mức tiêu thụ rượu bia, thói quen hút thuốc lá, hoạt động thể chất, giấc ngủ, học vấn, địa vị xã hội và đời sống tinh thần với hy vọng tìm thấy điểm tương đồng.
Bác sĩ Barzilai, 54 tuổi, cho biết: "Ở tuổi 70, 37% đối tượng của chúng tôi, theo lời nói của họ thừa cân và 8% béo phì; còn 37% khác nghiện thuốc lá trung bình trong 31 năm; 44% nói họ chỉ vận động thân thể ở mức độ vừa phải; còn 20% khác không bao giờ vận động".
Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn không tiết lộ công thức thần diệu nào về cách chúng ta nên sống, ăn và cư xử để vươn đến tuổi thọ cao ngất: "Không một người nào trong số những người 100 tuổi theo chế độ ăn tảo", Shreiber nói.
![]() |
Hai chị em cụ Helen "Happy" (trái) và cụ Peter Keane. |
Em trai Irving 104 tuổi của cụ "Happy" nói: "Thứ nhất, anh cần chế độ ăn đủ dinh dưỡng, nhiều rau và xà lách. Thứ hai, hít thở nhiều không khí trong lành. Thứ ba, không uống rượu bia hay hút thuốc lá. Thứ tư, anh phải thường xuyên vận động, cởi mở và tiếp xúc với mọi người. Thứ năm, quan tâm học hỏi tất cả những gì có thể - luôn giữ cho mình trẻ trung".
Tiêu chuẩn thứ 4 và thứ 5 của cụ Irving được giới khoa học chứng minh. Nhưng Tom Perls, 50 tuổi, lãnh đạo cuộc nghiên cứu về người 100 tuổi từ Đại học Boston với sự tham gia của khoảng 2.600 người, nói: "Chúng tôi tìm thấy nhiều đặc điểm cá nhân đáng quan tâm. Những đối tượng nghiên cứu nói chung đều sống hướng ngoại, thích giao du và họ có một mạng lưới xã hội ổn định". Hơn nữa, họ không phải người quá nhạy cảm - nói khác đi, họ không than khóc vì những khó khăn của cuộc sống; họ là những bậc thầy về cách sống an nhiên tự tại.
Stefan Schreiber, nhà nghiên cứu y khoa ở Đại học Kiel, bày tỏ sự đồng tình: "Chính đầu óc lanh lợi, cuộc sống cởi mở là điều đáng chú ý - nhất là khi anh biết được rằng những người này trong quá khứ từng có cuộc sống không hề dễ dàng gì. Họ cũng từng trải qua chiến tranh và nghèo đói". Như vậy có nghĩa là người ta có thể kéo dài sự sống nhờ vào tinh thần lạc quan và đầu óc tỉnh táo?
Cuối tháng 9 năm ngoái, các nhà nghiên cứu tiết lộ trên Science rằng họ đã khám phá 150 biến thể gene trong bộ gene của những người sống 100 tuổi. Họ nói họ có thể sử dụng các gene này để dự đoán tuổi thọ của một người với độ chính xác là 77%. Trong bài báo, họ viết rằng biến thể tập hợp lại trong 18 dấu hiệu di truyền tiêu biểu. Những người sống 100 tuổi ít có nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến tuổi già, nhưng họ có cơ chế bảo vệ mang tính quyết định về mặt di truyền giúp họ tránh được những rối loạn này.
Giới khoa học và giới truyền thông đánh giá nghiên cứu trên là bước ngoặt quan trọng trong nghiên cứu về lão hóa. Nhà nghiên cứu Barzilai thậm chí còn nghĩ đến một bước xa hơn: "Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ 150 biến thể gene này bảo vệ chủ thể như thế nào, từ đó có thể phát triển những liệu pháp hiệu quả".
Đánh giá bài viết
Tin liên quan
- Bộ Y tế hướng dẫn sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở y tế tỉnh, thành phố thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (15/04/2025)
- Nhân ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 02/4, cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận thức về tự kỷ (02/04/2025)
- 5 vị thuốc trị mất ngủ (18/03/2025)
- Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (25/02/2025)
- Sự khác nhau giữa cảm cúm và cảm lạnh (18/02/2025)